Theo dữ liệu mà Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), trong tháng 7, có 21 đợt phát hành với tổng giá trị 12.680 tỉ đồng, trong đó 14 đợt phát hành riêng lẻ và 7 đợt phát hành ra công chúng.
Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 7.255 tỉ đồng (chiếm 57,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành của nhóm ngân hàng ở mức 7-9%/năm và các nhóm ngành còn lại dao động trong khoảng 9-12%/năm.
Với mặt bằng lãi suất huy động từ trái phiếu kể trên, gần đây, thông tin một số doanh nghiệp lớn chào bán trái phiếu với lãi suất lên tới 14-15%/năm đã gây chú ý trong giới đầu tư. Mức lợi suất từ trái phiếu này gấp đôi so với lãi suất gửi tiết kiệm trung và dài hạn. Hiện nhiều ngân hàng thương mại niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng còn khoảng 6 - 7,5%/năm.
Chị Thùy Vân (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết có khoản tiền nhàn rỗi đang tìm kênh đầu tư có mức sinh lợi cao hơn vì lãi suất gửi tiết kiệm xuống quá thấp. "Đầu tư cổ phiếu có cơ hội khi thị trường chứng khoán đang tăng nhưng đòi hỏi sự hiểu biết và thường xuyên theo dõi bảng điện, trong khi công việc của tôi bận rộn. Do đó, nếu có trái phiếu của doanh nghiệp phát hành ra công chúng đủ hấp dẫn, an toàn, tôi sẽ cân nhắc" - chị Thùy Vân nói.
Theo tìm hiểu, trái phiếu doanh nghiệp được chào bán gần đây là của Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành ra công chúng với tổng mệnh giá lên tới 10.000 tỉ đồng theo nhiều đợt. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm.
Vingroup cho biết mục đích huy động vốn là để Công ty CP sản xuất - kinh doanh VinFast (công ty con của Vingroup) vay lại đầu tư dự án sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng.
Trái phiếu của Vingroup sẽ được phát hành theo đợt, trong đó kỳ hạn 2 năm và 3 năm, mệnh giá 100.000 đồng trái phiếu. Giá trị mua tối thiểu của nhà đầu tư cá nhân là 50 triệu đồng và nhà đầu tư tổ chức là 500 triệu đồng.
Lãi suất cao nhất lên tới 14,5% và 15%/năm áp dụng cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên (kỳ trả lãi 6 tháng/lần). Ở các kỳ tính lãi tiếp theo sẽ bằng 4% cộng bình quân lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank (hiện vào khoảng 6% - 6,3%/năm). Như vậy, tính ra lãi suất các kỳ tiếp theo sẽ trên 10%/năm.
Nhân viên nhiều công ty chứng khoán liên tục gửi thông tin với nhà đầu tư về cơ hội mua trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất lên tới 15%/năm, "không cần giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp" vẫn mua được.
Theo nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán, trái phiếu Vingroup sau khi phát hành dự kiến sẽ được niêm yết lên sàn sau khoảng 1 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Khi đó, nhà đầu tư có thể mua bán trái phiếu này qua hình thức khớp lệnh.
"Nếu muốn bán sớm hơn thời điểm niêm yết lên sàn, khách hàng có thể xác định người mua lại và làm thủ tục nhượng quyền (có áp dụng phí) tại chi nhánh của công ty chứng khoán" - một nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán SSI thông tin.