Theo bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu do công ty tư vấn định cư Henley & Partners có trụ sở tại London (Anh) công bố ngày 18/7, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 82/199 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, tăng 6 bậc so với kỳ xếp hạng tháng 1/2023 (thứ 88) và tăng 10 bậc so với năm 2022 (thứ 92). Với thứ hạng này, công dân mang hộ chiếu Việt Nam có thể nhập cảnh 55 điểm đến trên toàn thế giới mà không cần xin thị thực hoặc chỉ cần thị thực điện tử (e-visa) hay thị thực tại cửa khẩu.
Trong bảng xếp hạng này, Singapore đã soán ngôi của Nhật Bản trở thành quốc gia sở hữu hộ chiếu “quyền lực” nhất thế giới. Với cuốn hộ chiếu Singapore, công dân nước này được phép nhập cảnh 192 trong số 227 điểm đến toàn cầu mà không cần xin thị thực. Các nước Italy, Đức và Tây Ban Nha cùng đứng vị trí thứ hai khi công dân các nước này được phép nhập cảnh miễn thị thực tới 190 điểm đến. Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ ba, người sở hữu hộ chiếu nước này được miễn thị thực ở 189 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cùng được xếp ở vị trí thứ ba là các nước Áo, Phần Lan, Pháp, Luxembourg, Hàn Quốc và Thụy Điển. Hộ chiếu Mỹ tuy vẫn nằm trong top 10 hộ chiếu "quyền lực" nhất thế giới (vị trí thứ 8), song quốc gia này có chỉ số hộ chiếu tăng ít nhất trong vòng 10 năm qua. Vương quốc Anh, sau sự sụt giảm do rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đã trở lại vị trí thứ 4 - vị trí nước này từng nắm giữ trong năm 2017. Afghanistan là nước đứng cuối bảng xếp hạng khi công dân nước này có thể nhập cảnh 27 điểm đến mà không cần xin thị thực. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore ở vị trí cao nhất, Malaysia xếp thứ 11, Timor Leste xếp thứ 55, Thái Lan xếp thứ 64, Indonesia đứng thứ 69, Philippines thứ 74. Campuchia cùng thứ hạng 82 với Việt Nam. Lào xếp thứ 87, Myanmar xếp thứ 98.
Bảng xếp hạng hộ chiếu toàn cầu được đánh giá định kỳ, dựa trên dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) do Công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners công bố. Các quốc gia được đánh giá "quyền lực" khi người sở hữu hộ chiếu có thể nhập cảnh nhiều nước mà không cần xin thị thực (visa). Không chỉ là một giấy thông hành, Henley và Partners cho biết một cuốn hộ chiếu mạnh có thể mang lại cơ hội kinh doanh và đầu tư quốc tế cho công dân quốc gia đó.
Trên thực tế, khi không được miễn thị thực, công dân sẽ phải chuẩn bị hồ sơ xin cấp với khá nhiều thủ tục và giấy tờ đi kèm như hộ khẩu, sổ tiết kiệm, sao kê ngân hàng, hợp đồng lao động, giấy nghỉ phép và không phải ai cũng có thể được cấp visa. Phí xin thị thực cũng là một vấn đề, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.