Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ

vietq 10:26 08/05/2023

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được ban hành.

Điều này cũng góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Cụ thể, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 15/2014/TTBKHCN quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên Bộ số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước (bao gồm tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ và tài sản là kết quả của nhiệm vụ).

Trên cơ sở Nghị định 70/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành các thông tư hướng dẫn (Thông tư 63/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ việc xử lý tài sản).

Thông tư 10/2019/TT-BTC ngày 20/2/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ việc thực hiện giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản này. Thông tư 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2020 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Các Thông tư ban hành đã xác định nguyên tắc tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước là tài sản công. Việc quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Nghiên cứu KH&CN là hoạt động có nhiều đặc thù được quy định tại pháp luật về KH&CN.

Tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN mà ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần là tài sản đồng sở hữu. Việc quản lý, sử dụng tài sản được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các bên còn lại và thuyết minh nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt theo quy định của pháp luật về KH&CN. Vì vậy, bước đầu các văn bản chính sách hiện hành đã có sự tiếp cận trên cơ sở “tích hợp” được hai hệ thống pháp luật.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, việc hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm luật, nghị định và thông tư khá đồng bộ, tạo khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý, xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước. Các văn bản đã tạo hành lang pháp lý thống nhất để thực hiện quản lý, xử lý tài sản trang bị, tài sản cố định là kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước đã tạo sự chuyển biến tích cực đến cơ quan quản lý nhà nước, chủ nhiệm các nhiệm vụ KH&CN, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quan tâm đến kết quả đầu ra; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho KH&CN.

Theo đó, một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đang triển khai xử lý tài sản theo quy định, ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định việc xử lý tài sản hình thành thông qua nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý, một số địa phương đang sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước tại địa phương để phù hợp với quy định tại Nghị định 70/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành; bổ sung phân quyền xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Về định hướng thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 5/8/2021 về việc tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ KH&CN đã cơ bản hoàn thiện việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KH&CN quốc gia, gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KH&CN đặc biệt. Bộ đã phê duyệt 17 chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Các Ban Chủ nhiệm và khung chương trình đã cơ bản được thành lập và phê duyệt. Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư quy định về trình tự, thủ tục; tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân; kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện; đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện; hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH&CN cấp quốc gia cho cả giai đoạn tới.

Bạn đang đọc bài viết Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược