Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bài học cho doanh nghiệp Việt nhìn từ vụ 100 container xuất khẩu điều

vietq 14:17 23/03/2022

Vụ việc 100 container xuất khẩu điều trị giá hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ điển hình cho việc mất cảnh giác, vội vàng của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại.

Vụ việc 100 container xuất khẩu điều trị giá hàng chục triệu USD là một ví dụ điển hình cho sự mất cảnh giác của doanh nghiệp.

Nguy hiểm từ việc vội vã, mất cảnh giác

Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mọi giao thương của doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị đình trệ, thậm chí mất khách hàng thì có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn, mà lại là ở những thị trường uy tín như tin vui thậm chí là lối thoát của doanh nghiệp. Nhưng chỉ cần mất cảnh giác đây lại chính là dấu chấm hết cho hy vọng của doanh nghiệp. Vụ việc 100 container xuất khẩu điều trị giá hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ điển hình.

Theo đó trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "Nhờ thu", hay còn gọi là "Trả tiền nhận chứng từ D/P". Rủi ro đã xảy ra khi hiện nay các doanh nghiệp đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc: Doanh nghiệp Việt sau khi làm thủ tục xuất khẩu, lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển; Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng tại Việt Nam; Ngân hàng Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy.

Nhà nhập khẩu (người mua) sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ; Với bộ chứng từ này người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay". Đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay kẻ gian, bởi vì tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình vận đơn gốc tới hãng tàu.

Liên quan đến nguyên nhân dẫn đến sự việc này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC cho rằng, về cơ bản vẫn là do nhận thức pháp lý của doanh nghiệp còn yếu ở chỗ với số tiền lớn thì cần dùng phương thức thanh toán tin cậy hơn, như thư tín dụng L/C (Letter of Credit) để tính pháp lý được đảm bảo chặt chẽ hơn.

Thêm vào đó, cũng có phần do thiếu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vấn đề rủi ro vì trước đây, đã từng xảy ra những vụ tương tự. Tuy nhiên, sau đó không thấy đơn vị nào đứng ra phân tích chi tiết vụ việc, rút ra bài học kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp…. Như vậy, khó có thể đảm bảo sẽ không tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai.

Vì thế, để rút kinh nghiệm chung, chỉ nêu tên những công ty gian lận thương mại và tuyên truyền nhiều hơn trên hệ thống thông tin đại chúng hoặc lồng ghép vào các chương trình giảng dạy, đào tạo để học sinh, sinh viên nắm bắt kiến thức, trải nghiệm… làm bài học chung cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

Lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp

Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất.

Ông Lộc cho rằng, cơ hội khắc phục hậu quả cũng có thể nhìn thấy được một phần bằng sự phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, cơ quan có thẩm quyền như hải quan và cảnh sát, công an sở tại, Đại sứ quán và Thương vụ... Cụ thể như, có thể giữ những container chưa giao cho người nhận và trả lại cho chủ hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần sự tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan một cách rất nhanh chóng, khẩn trương để tránh những chi phí phải trả cho hãng tàu mà chủ hàng phải chịu do giải phóng container chậm, đặt chỗ để chở hàng về sớm với con đường ngắn nhất để hạn chế hàng bị giảm chất lượng. Hoặc, bán cho người mua khác ngay tại nước sở tại để thu tiền hàng nhanh, tăng hiệu quả.

Nhìn nhận từ vụ việc, ông Lộc nhấn mạnh, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Doanh nghiệp cần đánh giá đúng tầm quan trọng để lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với số tiền thanh toán.

Thủ đoạn lừa đảo đơn giản mà hiệu quả là tạo lòng tin từ những chuyến hàng hay hợp đồng nhỏ với cách thanh toán đơn giản. Sau đó, tăng dần số tiền của hợp đồng mức cao hơn mà vẫn dùng cách thanh toán đơn giản để tìm cách gian lận với chiêu bài "đã tin cậy" nên "đơn giản" để đỡ phí ngân hàng, đỡ đọng vốn so với hình thức mở thư tín dụng L/C.

Trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Bởi, thực tế cho thấy, so với tổn thất thì chi phí này không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của doanh nghiệp. Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.

Các doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, tham gia hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài. Doanh nghiệp cũng cần cố gắng kiểm soát trong kinh doanh khi đối tác xấu cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí... cũng như trong quá trình làm ăn với nhau thời gian dài sau đó tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn. Đến mức nào đó, dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã "tin nhau" để gian lận, lừa đảo.

Link gốc : https://vietq.vn/bai-hoc-cho-doanh-nghiep-viet-nhin-tu-vu-viec-100-container-xuat-khau-d198408.html

Bạn đang đọc bài viết Bài học cho doanh nghiệp Việt nhìn từ vụ 100 container xuất khẩu điều tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược