Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng với biến thể Delta đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng, cạn nguồn tiền...
Nhằm vực dậy cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chịu và vượt qua khó khăn trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); Chính phủ cũng ban hành chính sách miễn thuế thu nhập cho các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không (số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng);
Ngoài ra, các chính sách thuế cũng giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…
Tính đến hết tháng 9/2021, số tiền hỗ trợ và gia hạn cho người dân và doanh nghiệp là 78 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng; gói miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung đề xuất nêu trên là khoảng 21.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các chính sách thông qua giảm, hoãn thuế mới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, trong khi đó nhiều đối tượng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự được quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực tế vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới doanh nghiệp khỏe, có doanh thu, có lợi nhuận. Song, doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh. Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; khó khăn về vấn đề lao động. Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất.
"Tại các khu công nghiệp phía nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I năm 2022, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế. "Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ", Bộ trưởng cho biết. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới.