Trong phiên thảo luận chiều 1/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách và kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thảo luận về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (Nghị quyết 43), ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh sự quyết liệt, quyết tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc ban hành Nghị quyết 43.
Bà Mai nói rằng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng liên tục đôn đốc, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là chúng ta chậm so với tiến độ trong việc triển khai Nghị quyết. Và rất có thể, có những mục tiêu trong Nghị quyết đề ra phải hoàn thành trong năm 2022-2023 sẽ không thể thực hiện.
“Và câu hỏi đặt ra là chúng ta có lý do để chậm hay không? Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không có nhiều lý do để chậm”, bà Mai nói.
Theo nữ đại biểu, việc ban hành Nghị quyết 43 diễn ra trong bối cảnh khách quan có điều kiện thuận lợi, khi ở thời điểm dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi. Xét về nguồn lực, theo Nghị quyết 43 thì nguồn lực luôn sẵn sàng.
Hơn nữa, về quy trình thủ tục đã được đơn giản hoá tới mức tối đa. “Chúng ta đã thực hiện phân cấp tới mức tối đa từ Bộ ngành cho đến địa phương, có những tiền lệ mà trước đây chúng ta chưa bao giờ áp dụng”, bà nói.
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian hay không?”.
Theo bà Mai, nếu như chúng ta đang lãng phí lời gian, lãng phí cơ hội thì cũng đồng nghĩa với việc đang lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách. “Chúng ta đã có một kỳ họp đặc biệt với một chương trình đặc biệt, nhưng hiện rất cần một quyết tâm đặc biệt và cách làm đặc biệt”, bà trăn trở.
Trong nội dung kiến nghị, bà Mai cho rằng, Chính phủ cần rà soát tổng thể, làm rõ việc đang chậm ở đâu, đang vướng ở đâu và cũng cần xem xét trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ.
“Chúng tôi luôn thấu hiểu khó khăn mà Chính phủ đang đối mặt nhưng cũng rất mong chúng ta không bỏ lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hi vọng của người dân cùng với thời gian trở nên nguội lạnh”, bà Mai bày tỏ tâm tư.
Cũng nêu ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cũng trăn trở khi nhiều quyết sách trong gói phục hồi chưa đi vào cuộc sống, doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng hỗ trợ.
Cụ thể, về gói hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hành thương mại với doanh nghiệp, hợp tác xã, bà Tâm cho biết, người dân và doanh nghiệp đã rất kỳ vọng. Tuy nhiên, Nghị định ban hành tương đối chậm. Do vậy, trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị ngân hàng nhà nước đề nghị linh hoạt, quyết liệt, kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại.
Bà Tâm nêu thực tế tại Quảng Bình, nhiều cơ sở du lịch nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để hoạt động dù đang mùa cao điểm, phục hồi tốt. Do vậy, nếu ban hành văn bản nhưng không có cơ chế phù hợp để thực hiện thì theo đại biểu, sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng không dám cho vay, lãng phí cơ hội phục hồi của nhiều ngành. Đại biểu đề nghị ngân hàng cần linh hoạt cho vay thông qua tín chấp.
Cũng theo đại biểu Tâm, việc miễn giảm thuế phí, đất đai vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Điều này làm cho các kế hoạch ban hành khó có tính khả thi khi 2 năm thực hiện gói hỗ trợ (2022-2023) ngày càng ngắn.
"Gần đây thôi, người dân, doanh nghiệp phấn khởi khi Nghị quyết 43, 11 được thông qua và kỳ vọng tạo động lực phục hồi. Tuy nhiên những kỳ vọng giảm dần khi triển khai còn vướng mắc", địa biểu Tâm cho rằng, cần sự quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời hơn nữa.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nói rằng, kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất diễn ra chưa từng có tiền lệ để thông qua nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay Nghị quyết 43 được ban hành với bao kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp lại chưa thực sự đi vào cuộc sống. Do đó, đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn