Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

100 doanh nghiệp cam kết hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành IT

DTVN 16:30 20/08/2021

Gần 200 đại diện doanh nghiệp, tổ chức đào tạo tham gia Hội thảo “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0” do FUNiX tổ chức, cam kết hợp tác đào tạo nhân lực IT.

Sáng 19/8, Hội thảo giáo dục trực tuyến chủ đề “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0” do FUNiX tổ chức vừa diễn ra với sự tham gia của gần 200 đại diện các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng quan tâm đến sự phát triển ngành CNTT tại Việt Nam.

Cơ hội cho ngành công nghệ Việt Nam

Hội thảo phác họa bức tranh chung về những cơ hội, thách thức trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam trước cuộc cách mạng 4.0, nhằm tìm tiếng nói chung giải quyết vấn đề nan giải - thiếu hụt nhân sự IT. Hội thảo cũng đưa ra cam kết chung với các điều lệ cụ thể, qua đó kết nối doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phi truyền thống nhằm chung tay đào tạo nhân sự CNTT đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giúp Việt Nam đón đầu các cơ hội trong ngành.

Hội thảo quy tụ gần 200 đại diện doanh nghiệp công nghệ cùng đơn vị đào tạo phi truyền thống cùng thảo luận, thống nhất giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ cho cuộc cách mạng số ở Việt Nam.

Với phép so sánh Việt Nam trước kỷ nguyên số giống như miền viễn Tây của Mỹ vào những năm thế kỷ 19, cần một lực lượng anh tài đủ trí - dũng để “cầm súng” dấn bước khai phá tiềm năng, hội thảo giáo dục FUNiX mang thông điệp kêu gọi thế hệ trẻ người Việt cùng chung tay khai phá tri thức công nghệ, tìm kiếm và chiếm lĩnh những thành quả rực rỡ đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc trong kỷ nguyên số.

Mở đầu chương trình, nêu dẫn chứng về những con số cho thấy cuộc khan hiếm nhân lực trầm trọng ngành CNTT, TS. Nguyễn Thành Nam – Người sáng lập Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX cho biết, các công việc trong ngành tăng trưởng tới 47% những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu thực tế.

Bởi vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo phi truyền thống là hướng đi đúng đắn giúp lấp đầy khoảng trống to lớn về nhân sự và cũng là khoảng trống của những cơ hội trong ngành IT mà Việt Nam đã bỏ lỡ suốt nhiều năm qua.

“Tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ tìm ra con đường biến CNTT thành động lực để phát triển kinh tế, phát triển đất nước” - TS. Thành Nam khẳng định trong phần mở đầu hội thảo.

Đưa ra ý kiến tham luận tại hội thảo với những phần trình bày ấn tượng và nhiều nhận định sâu sắc, 09 diễn giả là đại diện các đơn vị đầu ngành CNTT, góp phần khắc họa một bức tranh toàn cảnh về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.

Trong bài phát biểu chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho tất cả mọi người tham gia”, diễn giả Đinh Anh Huân - Chủ tịch HĐQT Seedcom nhấn mạnh: “Bối cảnh hiện nay đã rút ngắn và thậm chí xóa đi mọi khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới trong việc tiếp cận cơ hội, việc làm ngành CNTT. Các kỹ sư CNTT có thể làm việc ở bất kỳ đâu, cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ ai trên thế giới. Và thực tế, người làm CNTT không nhất thiết phải học ngành CNTT, mà hoàn toàn có thể tự học. Tự học là nền tảng để phát triển trong lĩnh vực công nghệ”.

Trong các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như Mobile Game, hay các lĩnh vực công nghệ cao như Blockchain, IoT, AI…, các chuyên gia đều đánh giá Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là cái nôi cung cấp nguồn nhân sự giỏi cho thế giới.

Ông Huy Nguyễn - CTO KardiaChain cho rằng: “Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn với blockchain khi hội tụ đầy đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đang ở cùng vạch xuất phát về blockchain với thế giới, có được sự quan tâm của toàn xã hội và hành lang pháp lý tốt.

Ông Vũ Hồng Chiên - Giám đốc QAI FPT Software phân tích: “Tiềm năng của Việt Nam cực kỳ lớn. Chúng tôi hướng tới đưa Quy Nhơn thành thung lũng AI của thế giới vào năm 2025, làm sao để tạo ra những sản phẩm AI tại Việt Nam, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam”.

Ở lĩnh vực IoT, ông Nguyễn Đức Tài - CEO Nhà thông minh Lumi tin tưởng sản phẩm IoT Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nhà thông minh có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp Trung Quốc được “chống lưng” bởi các đại gia giàu về tài chính, mạnh về truyền thông, quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, để cạnh tranh được, thì cần sự kết hợp giữa các doanh nghiệp tạo thành những liên minh cùng phát triển. Hơn cả, là cần sự đầu tư về nhân lực để nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm tốt, chất lượng, đẹp về mẫu mã và có chính sách dịch vụ thu hút khách hàng.

Hội thảo còn thu hút sự quan tâm của các đơn vị ngoài ngành CNTT có nhu cầu lớn về tuyển dụng nhân lực IT như: Bệnh viện 199 - Bộ Công An (Đà Nẵng), Trung Tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Y Tế CHIR, các đơn vị giáo dục truyền thống và phi truyền thống...

Cung cấp góc nhìn ở lĩnh vực Lập trình game, ông Phạm Quân - CEO Onesoft khẳng định, hiện Việt Nam đã có vị trí nhất định trong ngành lập trình game. Điển hình, năm 2021, Việt Nam đã có những game studio thuộc top 15 studio toàn cầu, sánh ngang với những tên tuổi như Microsoft, Facebook... Trong 10 game studio đứng đầu Đông Nam Á và Thái Bình Dương thì có 5 game studio là của người Việt.

“Thiếu hụt khoảng 20 - 30 nghìn nhân sự, ngành Game Việt nếu được quan tâm, đào tạo một cách tương xứng sẽ đưa Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu” - ông Quân nói.

Cam kết chung tay hợp tác đào tạo nhân lực ngành IT

Để tận dụng được “vận hội” và những tiềm năng đó, cần sự liên minh giữa các doanh nghiệp, đơn vị. Các đơn vị đào tạo phi truyền thống đang góp phần đắc lực vào thực hiện sứ mệnh này.

Trình bày tại phiên thảo luận “Ai cũng có thể là chiến sĩ”, đại diện các đơn vị đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo ngành CNTT và xây dựng đội ngũ công nghệ để bổ sung nhân lực, sẵn sàng cho cách mạng công nghệ.

Kinh nghiệm tự đào tạo nhân lực của doanh nghiệp được ông Nguyễn Trần Nhàn, Giám đốc Công ty Cổ phần NCCPLUS Việt Nam chia sẻ tại hội thảo, giúp các thực tập sinh ở mọi trình độ có thể gia nhập đội ngũ lập trình viên, không yêu cầu bằng cấp cao siêu mà chỉ cần thái độ tốt, đam mê trong công việc.

Ông Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập STEAM for Vietnam lại nhấn mạnh ý nghĩa của việc đào tạo CNTT từ lứa tuổi học sinh để xây dựng nhân sự vững chắc cho tương lai. Trong vòng 3 năm, STEAM for Vietnam đã triển khai những lớp học 5.000 học sinh mỗi buổi, đem chương trình học tiên tiến với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu đến cho trẻ em Việt Nam khắp mọi miền.

Bản cam kết cộng đồng giữa các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống trong việc chung tay giải quyết bài toán nhân lực công nghệ thông tin.

Với giải pháp đào tạo cá thể hóa theo FUNiX Way, ông Hoàng Việt Thắng, đại diện Tổ chức Giáo dục Trực tuyến FUNiX chia sẻ về hành trình phổ cập CNTT từ chính thực tế hơn 10.000 sinh viên tại đây. Từ những người ngoài ngành như kỹ sư dầu khí, nhân viên ngân hàng đến những người chưa từng học CNTT như công nhân, lái xe,… đã chuyển nghề thành công với lập trình; hay hành trình học IT sớm của các bạn học sinh phổ thông. Phương thức học FUNiX Way (giáo trình MOOC, đội ngũ mentor đồng hành và hannah hỗ trợ) đang giúp hành trình học IT trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, từng bước đáp ứng số lượng và chất lượng nhân lực cho doanh nghiệp. “Chúng tôi mong phối hợp chung tay cùng các doanh nghiệp để truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, lan tỏa thông điệp ai cũng có thể học được, ai cũng có thể làm được CNTT. Từ đó huy động được một lực lượng lớn nhân sự cho ngành IT” - bà Lê Minh Đức, Giám đốc Điều hành FUNiX chia sẻ.

Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ cho Cách mạng 4.0” khép lại bằng phần ký cam kết cộng đồng giữa các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống trong việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự ngành CNTT. Bản cam kết cộng đồng gồm 5 điều khoản cụ thể và thiết thực: Tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất để ai cũng có thể tham gia vào Cách mạng công nghệ; Tuyển dụng theo năng lực và thái độ của ứng viên, không tạo ra rào cản không cần thiết về bằng cấp, cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo; Chủ động tham gia đào tạo qua xây dựng chương trình; Sẵn sàng tiếp nhận học viên tới tham quan thực tập, tìm hiểu môi trường làm việc; Kiên trì truyền thông, giải thích những tinh thần và nội dung của của bản cam kết đến mọi thành phần xã hội.

Gần 100 đại diện doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống đã cùng ký kết trực tuyến vào bản Cam kết trên, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận sâu sắc, tin tưởng vào sức mạnh hợp tác giữa các đơn vị trong nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số.

Nguyễn Luận/Theo SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/100-doanh-nghiep-cam-ket-hop-tac-dao-tao-nhan-luc-cho-nganh-it-d108015.html

Bạn đang đọc bài viết 100 doanh nghiệp cam kết hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành IT tại chuyên mục Tư vấn chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn chiến lược