Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Trung tâm mua sắm tài sản công Hà Nội: Vì sao giá sản phẩm gói thầu cao hơn giá thị trường?

DTVN 15:44 15/06/2021

Công ty Nhật Nam trúng gói thầu 02/TS4: Mua sắm máy chiếu, màn hình máy photocopy, máy scan... tại Trung tâm mua sắm tài sản công nhưng giá thiết bị cao hơn giá thị trường.

Theo thống kê từ 2018 đến nay, với vai trò liên danh và độc lập, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Nhật Nam đã trúng 12 gói thầu tại Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính, thuộc Sở Tài chính Hà Nội. Tuy nhiên, khi đi sâu vào giá trị thực tế, nhiều giá trị sản phẩm được doanh nghiệp kê khai trong gói thầu có giá cao hơn so với ngoài thị trường.

Cụ thể, tại Quyết định số 227/QĐ-TTMSTSC ngày 16/12/2020 do ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm ký quyết định phê duyệt liên danh Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Nhật Nam - Công ty Cổ phần Nhất Vinh trúng gói thầu 02/TS4: Mua sắm máy chiếu, màn hình máy photocopy, máy scan...với giá 18.170.690.000 đồng với 42 mặt hàng mua sắm.

Quyết định phê duyệt liên danh Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Nhật Nam - Công ty Cổ phần Nhất Vinh trúng gói thầu 02/TS4: Mua sắm máy chiếu, màn hình máy photocopy, máy scan...với giá 18.170.690.000 đồn.

Theo đó, sản phẩm máy chiếu BenQ MW826ST trên thị trường chỉ có giá khoảng 17.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 29.100.000 đồng (Tổng chênh lệch trên 8 sản phẩm trong gói thầu là khoảng 96 triệu đồng).

Sản phẩm máy chiếu Casio XJ-F11X giá trên thị trường khoảng 26.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 42.700.000 đồng (chênh lệch khoảng 17 triệu đồng/1 sản phẩm).

Máy photocopy Fuji Xerox DocuCentre V 3065 CP có giá trên thị trường khoảng 50.000.000 đồng. Tuy nhiên, giá sau đấu thầu là 85.850.000 đồng.

Máy chiếu Casio XJ-F11X giá trên thị trường khoảng 26.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 42.700.000 đồng...

Mặc dù, giá trị sản phẩm trong các gói thầu có giá trị cao hơn thị trường, công ty Nhật Nam cũng là một đơn vị quen mặt tại Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính khi liên tục ẵm nhiều gói thầu có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Các gói thầu đều có giá trị lớn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến các gói thầu như: Gói thầu 02 TS5: Mua sắm máy chiếu, màn chiếu, máy photocopy, máy scan theo phương thức tập trung (đợt 5) năm 2020 (18.276.360.000 đồng);

Gói thầu 02 TS4: Mua sắm máy chiếu, màn chiếu, máy photocopy, máy scan theo phương thức tập trung (đợt 4) năm 2020 (liên danh Công ty Nhật Nam cùng Công ty Nhất Vinh trúng gói thầu trị giá 18.170.690.000 đồng).

Gói thầu 01 TS3: Mua sắm máy tính, máy in theo phương thức tập trung (đợt 3) năm 2020 (Liên danh Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Kỹ thuật Toàn Cầu và Công ty Nhật Nam trúng gói thầu trị giá 58.779.890.000 đồng).

Hay trước đó năm 2019, Công ty này đã “ẵm trọn” các gói thầu lớn tại đây như: Gói thầu 02/TS1: Mua sắm máy chiếu, màn chiếu theo phương thức tập trung (đợt 1) năm 2019 (giá trúng thầu 32.461.057.000 đồng); Gói thầu 01/TS1: Mua sắm máy tính, máy in theo phương thức tập trung (đợt 1) năm 2019 (67.919.790.000 đồng).

Gói thầu 01 TS4: Mua sắm máy tính, máy in theo phương thức tập trung (đợt 4) năm 2019 (38.330.490.000 đồng); Gói thầu 01 TS5: Mua sắm máy tính, máy in theo phương thức tập trung (đợt 5) năm 2019 (31.430.450.000 đồng, vai trò trúng thầu độc lập).

Có thể thấy, việc giá thiết bị trong các gói thầu có giá trị cao hơn thị trường đang diễn ra khá phổ biến. Dư luận đặt ra câu hỏi, nhiều gói thầu mua sắm đầu tư công đã bị nâng giá quá cao so với giá trị thật, Nhà nước bị thất thoát những khoản tiền không nhỏ, trong khi Ngân sách Nhà nước, địa phương còn rất eo hẹp và còn rất nhiều lĩnh vực cần thiết phải chi, bên cạnh đó, nhiều vụ việc cũng đã bị xử lý, nhưng tại sao tình trạng này vẫn chưa có sự thay đổi?

Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, trong quá trình thực hiện nếu xác định được trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu nhưng đã xác định có vấn đề, có sai sót, có vi phạm nhưng người có thẩm quyền vẫn ký duyệt, vẫn tiến hành hoạt động đấu thầu thì ở đây trách nhiệm chính được đặt ra với người ký duyệt.

Do vậy, cơ quan chức năng cũng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu liên quan đến việc giá trị sản phẩm cao hơn thị trường. Bên cạnh đó, cần rà soát, xác định được vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên trong tiến trình thực hiện hoạt động đấu thầu, từ đại diện chủ đầu tư đến thành viên tổ thẩm định.

Đối với trường hợp nêu trên rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng nhằm làm rõ việc có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc nhằm “rút ruột” ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần sớm rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu liên quan tới các gói thầu này. Nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp, cần có phương án xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật.

Được biết, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Nhật Nam (Công ty Nhật Nam – PV) có địa chỉ, số 9, ngõ 137, tổ dân phố Ngọc Đại, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Thành lập ngày 10/12/2007, do bà Vũ Thị Hồng Hạnh làm người đại diện theo pháp luật.

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo

Bạn đang đọc bài viết Trung tâm mua sắm tài sản công Hà Nội: Vì sao giá sản phẩm gói thầu cao hơn giá thị trường? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh