Theo công bố trên chuyên trang trái phiếu của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) đã hoàn tất huy động 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Lô trái phiếu được phát hành trên cơ sở quy định của Đạo luật Chứng khoán 1933 của Hoa Kỳ, vào ngày 10/5. Đợt phát hành này nằm trong kế hoạch huy động tối đa 1,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong năm 2022 của Vingroup để góp vốn đầu tư vào dự án VinFast.
Lô trái phiếu của Vingroup có mã VICD2227001, kỳ hạn 5 năm, với khối lượng 525 trái phiếu mệnh giá 1 triệu USD/trái phiếu, đáo hạn vào năm 2027. Trái phiếu được tổ chức phát hành mua lại theo yêu cầu của trái chủ hoặc theo yêu cầu của tổ chức phát hành.
Theo công bố từ trước đó, số tiến thu về dùng để bổ sung vốn cho Vingroup thanh toán các khoản chi phí cho việc phát hành trái phiếu và góp vốn trực tiếp vào VinFast để thực hiện dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.
Theo kế hoạch ban đầu được thông qua cuối năm 2021, việc chào bán trái phiếu dự kiến thực hiện trong quý I/2022. Tuy nhiên, tháng 4, Hội đồng quản trị Vingroup đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành, với thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 và sau đó tiếp tục thông qua việc thực hiện theo hai đợt.
Phía công ty mẹ của VinFast (trụ sở tại Singapre) cũng đã gửi hồ sơ đăng ký lên Ủy ban chứng khoán Mỹ liên quan đến kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), sau khi công ty công bố kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy tại bang North Carolina. Quy mô đợt phát hành và giá chào bán cổ phiếu vẫn chưa được xác định.
Trong phiên họp Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022, được tổ chức sáng 11/5 của Vingroup, trước lo ngại của cổ đông về khả năng tiêu thụ xe VinFast, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết năm nay số lượng đơn đặt hàng đã đạt 4.000 chiếc ở Mỹ, phù hợp với kế hoạch sản xuất là 17.000 xe xuất xưởng. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng cho rằng thế giới đang "rất thiếu xe chứ không thừa", nên nếu sản phẩm tốt sẽ có cơ hội bán nhanh.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng cho biết Vingroup vẫn đang sử dụng "từng đồng, từng hào" cho Vinfast.
Trước bối cảnh các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất pin như lithium ngày một khan hiếm, ông Phạm Nhật Vượng cho biết không chỉ lithium mà các nguyên liệu khác như coban, niken... cũng khan hiếm.
"Chúng tôi lập ra danh sách 6 nhóm linh kiện chiến lược để sau khi sản xuất viên pin sẽ nghiên cứu để có dự trữ cho chiến lược lâu dài. Nguồn cung 6 nguyên vật liệu này đều đang chưa phải là vấn đề, nhất là với quy mô một vài trăm nghìn xe/năm. Trong tương lai đây mới là vấn đề", Chủ tịch Vingroup nói. Theo đó, Vingroup đã tìm các đầu mối hợp tác, như các công ty khai thác mỏ trên thế giới để đặt mua với khối lượng lớn trong dài hạn.
Việc công xưởng thế giới là Trung Quốc đang gián đoạn cung ứng do Covid-19 cũng gây khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp khi một phần linh kiện được nhập từ thị trường này. Nhiều nhà máy của Mỹ, Đức, châu Âu tại Trung Quốc đã đóng cửa. Trong khi đó, một chiếc xe ô tô có khoảng 3.000-4.000 linh kiện mà "thiếu một con ốc cũng không thể xuất xưởng".
Việc phụ thuộc nguồn cung bên ngoài cũng khiến lãnh đạo Vingroup muốn thúc đẩy chiến lược nội địa hoá linh kiện. Tập đoàn này đang mời các nhà sản xuất linh kiện, chip về Việt Nam mở nhà máy với các ưu đãi lớn như miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong 10-15 năm... "Lúc đó, chúng tôi đảm bảo nguồn cung thì sẽ phát triển rất nhanh", ông Phạm Nhật Vượng nói. Chủ tịch Vingroup khẳng định đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội vàng cho VinFast.
Tháng 4/2022, VinFast ghi nhận tổng số 2.427 xe được bán ra trong cả nước. VinFast Fadil tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất của VinFast với 1.654 xe. Mẫu ô tô điện VF e34 có doanh số cao thứ hai với 406 xe được bàn giao, nâng tổng số xe VF e34 xuất xưởng từ đầu năm đến nay đạt 911 xe