Đủ chiêu quảng cáo tâng bốc
Tại một buổi tọa đàm về những vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp mở tên miền trang web để quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc. Các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận người tiêu dùng, cố tình thông tin sai sự thật, xem thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố, dẫn đến người dùng nhầm tưởng, gây hậu quả nghiêm trọng trong điều trị bệnh.
Giống mô típ trên, theo tìm hiểu của PV, sản phẩm mang thương hiệu Đại Cốt Đan do Công ty TNHH thương mại TUBI (Tầng 6, Toà nhà Zen Tower, Số 12 Khuất Duy Tiến, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) phân phối và chịu trách nhiệm sản phẩm, hiện đang quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh xương khớp, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.
Nội dung quảng cáo thể hiện, sản phẩm Đại Cốt Đan gồm viên uống, viên sủi có khả năng: “Hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp lâu năm; giúp nhiều bà con cải thiện nhanh; đập tan các vấn đề về bệnh xương khớp; tái tạo mô xương... Những nội dung này đều khuyến cáo, người bệnh nếu cứ dùng kháng sinh “thì 50 năm nữa cũng không khỏi bệnh. Đại Cốt Đan mới là thứ mà mọi người đang tìm kiếm”.
Đặc biệt, để nâng cao công dụng không được kiểm chứng, sản phẩm Đại Cốt Đan quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội như: “Uống 2 lần mỗi ngày, xương khớp chắc khỏe, cơ thể dẻo dai, hoạt động ổn định trở lại, chơi thể thao thoải mái. Dùng 100% hiệu quả, cải thiện chứ không phải chỉ đỡ”…
Bên cạnh đó, để tăng thêm hiệu quả quảng cáo, những người kinh doanh còn không quên “dọa” nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm, ung thư xương, nhiễm khuẩn khớp, hỏng mô sụn, biến dạng khớp, có thể bại liệt suốt đời “đừng để chết vì thiếu hiểu biết”.
Chính vì thế, để nâng tầm sản phẩm, tổ chức kinh doanh Đại Cốt Đan còn “vẽ” ra phác đồ điều trị chuyên biệt mà áp dụng cho tất cả thành phần, đối tượng bệnh nhân đang bị bệnh liên quan đến xương khớp. Từ việc giúp người bệnh tiêu viêm, làm sạch ổ dịch, cơn đau… tán độc, thông khí huyết… đến tái tạo sụn mô, thay mới phần xương, cơ, gân bị hỏng đến mức đàn hồi dẻo dai...
Nhiều dấu hiệu vi phạm quy định
Để giảm thiểu hình thức kinh doanh trái quy định trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã phối hợp áp dụng nhiều biện pháp xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật. Thế nhưng, bằng nhiều hình thức tinh vi, bất chấp để bán được hàng, hệ thống kinh doanh Đại Cốt Đan vẫn “lách” bằng nhiều phương pháp, liên tục gia tăng nhiều kênh để quảng cáo mạnh hơn qua Facebook, Youtube, website không được cấp phép.
Trong khi đó, Đại Cốt Đan chỉ có công dụng hỗ trợ mạnh gân cốt, hỗ trợ giảm đau, mỏi khớp xương do viêm khớp, thoái hóa khớp, không phải thuốc điều trị bệnh và không phải đối tượng nào cũng sử dụng được. Thế nhưng, trong các quảng cáo, tổ chức kinh doanh lại luôn đánh đồng có khả năng điều trị tất cả bệnh xương khớp và không có khuyến cáo tới người tiêu dùng.
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải khuyến cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Căn cứ quy định trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Đại Cốt Đan có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc chữa bệnh. Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo trên mạng xã hội mà mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi bị bệnh, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị theo phác đồ.
Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.