Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phía Nam.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho biết, trong tháng 8, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68.000 tỷ đồng, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp.
-- |
So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp mới thành lập giảm mạnh 57% về số doanh nghiệp, giảm 77% về vốn đăng ký. Số lao động đăng ký theo đó cũng giảm đáng kể, chỉ có khoảng 43.400 người lao động được đăng ký, giảm 55%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 7/2021 và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.
Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tỉ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm nhiều so với trước đó. Cụ thể, trong tháng, cả nước có 3.865 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 22% so với tháng trước và giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định rút lui của doanh nghiệp là do tác động của dịch Covid-19, từ đó sản xuất bị đứt gãy. Ngoài ra, chi phí hoạt động khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” tăng quá cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp không còn đủ sức chống đỡ, phải tạm dừng hoạt động (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ).
Với những doanh nghiệp đang hoạt động, có gần đến 70% các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thiếu hụt lao động. Trong đó, các doanh nghiệp tập trung nhiều ở các lĩnh vực: bán lẻ, may mặc, dệt, chế biến thực phẩm, kho bãi, xây dựng, bất động sản...