Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/6, xăng Ron 95 III lập đỉnh mới khi gần chạm ngưỡng 33 nghìn đồng/lít, xăng E5 Ron 92 ở mức 31.300 đồng/lít, dầu diesel loại 0,05S giá 30.010 đồng/lít,...
Ðây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay, kéo theo hệ lụy khiến hàng loạt nguyên vật liệu tăng theo. Nếu không kịp thời ngăn chặn “cơn bão giá” hàng hóa, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thực phẩm chia sẻ, hiện chi phí xăng dầu chiếm 25 - 30% tổng chi phí sản xuất của đơn vị, tác động mạnh vào giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động. Giá xăng liên tục tăng cao khiến giá nguyên liệu tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm trước, buộc đơn vị phải lên phương án tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp, đánh mạnh vào nỗ lực gượng dậy sau hơn hai năm đình trệ vì dịch Covid-19. Hiện các doanh nghiệp phải giảm công suất xuống còn 60%, giá sản phẩm chỉ dám tăng khoảng 10% nhằm giảm lỗ do yếu tố cạnh tranh thị trường và nhu cầu của người dân đang giảm xuống.
Giới chuyên gia nhận định, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt loại hàng hóa khác tăng giá theo khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người lao động và doanh nghiệp "khó chồng khó" sau đại dịch Covid-19.
Do đó, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, giảm các loại thuế, phí để hỗ trợ kịp thời người dân và doanh nghiệp. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của hầu hết ngành sản xuất, do đó, khi xăng tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng kìm hãm đà tăng giá xăng dầu cũng như các loại hàng hóa khác.
Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, VCCI đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện ngay trong tháng 7, do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng, phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.
Về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. Trước đó, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.