Thời gian qua, do diễn biến dịch bệnh phức tạp dẫn đến việc cung ứng hàng hoá trở nên khó khăn hơn, một số mặt hàng tăng giá tại một vài thời điểm ở một số địa phương. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ rất sớm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, do tâm lý nên vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, tập trung ở mặt hàng thực phẩm tươi sống. Thế nhưng, ngay sau đó hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường dần ổn định và sức mua giảm. Giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh do tâm lý người dân nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn.
Thực tế này làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, gây bức xúc trong dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Đông cho hay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý; lập đường dây nóng tại 63 tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh của người dân 24/24 về hành vi vi phạm pháp luật, gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán kiếm lời.
Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do các yêu cầu về kiểm dịch khiến cung ứng hàng hóa mất nhiều thời gian hơn bình thường. Vì vậy, giá hàng hóa tăng cũng do các chi phí vận chuyển, phí nhân công, lái xe, hàng hóa hư hỏng, hao hụt do kéo dài thời gian lưu thông.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các địa phương, nhất là 19 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại phía Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều sau khi các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nên nguồn cung hàng hóa tại các địa phương đã cơ bản ổn định.
Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa, nhất là thực phẩm thiết yếu được cải thiện hơn trước; giá cả dần ổn định trở lại, các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nhiều hệ thống phân phối như: siêu thị Go! & Big C, Coop. Food… đã tăng lượng hàng dự trữ lên nhiều lần và cam kết giữ vững bình ổn giá, không tăng giá, góp phần ổn định tâm lý cho người dân.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường; xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Theo Chất lượng Việt Nam Online