Ma trận thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các trang mạng điện tử trở thành mảnh đất màu mỡ cho kinh doanh trực tuyến. Cũng chính vì thế, các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) dễ dàng len lỏi lên ''chợ mạng''. Với những lời quảng cáo “trên trời”, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy” chỉ sau một cú click chuột.
Cụ thể, nhiều sản phẩm TPBVSK quảng cáo như phương thuốc đặc trị. Để tăng tính thuyết phục cho khách hàng, đơn vị kinh doanh còn lồng ghép hình ảnh, ý kiến người tiêu dùng, người nổi tiếng, các y, bác sĩ..., thậm chí người bán cam kết hoàn tiền nếu người sử dụng sản phẩm không thấy hiệu quả. Chính vì lẽ đó, việc nhầm lẫn giữa TPBVSK và thuốc vì tin vào các quảng cáo đã gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe.
Thực tế cho thấy, các bác sĩ từng liên tiếp đưa ra cảnh báo khi xuất hiện nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị chỉ vì sử dụng TPBVSK. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện vì tin vào những lời giới thiệu của người quen, nội dung quảng cáo “có cánh” trên mạng nên đã tự ý bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ để chuyển sang dùng TPBVSK, khiến bệnh thêm trầm trọng.
Thời gian qua, theo phản ánh của người tiêu dùng, trên một số website, nền tảng Internet xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về sản phẩm TPBVSK Omiron Calcium có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Điển hình là thông tin quảng cáo sản phẩm Omiron Calcium tại website https://www.chieucaorb.com ghi thuộc sở hữu của đơn vị mang tên "Shop Omiron Calcium" (địa chỉ 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội). Sản phẩm còn được đăng bán tại website nhà thuốc thân thiện và trên các sàn thương mại điện tử.
Trên các website này, TPBVSK Omiron Calcium được quảng cáo có công dụng "Hỗ trợ phát triển chiều cao trong giai đoạn phát triển của trẻ, đặc biệt là người có bệnh lý chậm phát triển hệ xương; Nâng cao thể trạng và sức đề kháng, nâng cao, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể; Giúp xương và răng chắc khoẻ".
Sản phẩm còn được quảng cáo có hiệu quả sau 2 tháng sử dụng và "chiều cao sẽ tăng lên trông thấy". Đồng thời, theo nội dung quảng cáo trên webiste, sản phẩm còn dùng được cho cả "phụ nữ có thai và cho con bú".
Theo tìm hiểu của phóng viên Chất lượng Việt Nam, sản phẩm Omiron Calcium được sản xuất tại Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương VIHECO (địa chỉ Khu công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chỉ Đông, huyện Mê Linh). Đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, công bố sản phẩm là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ ISAMDO (địa chỉ tầng 2, toà nhà số 87 Vương Thừa Vũ, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).
Chiêu trò dẫn dắt khách hàng
Để làm rõ thông tin về sản phẩm, phóng viên đã vào vai khách hàng, tiến hành đặt mua sản phẩm Omiron Calcium trên website https://www.chieucaorb.com. Khi truy cập vào website này, người dùng dễ dàng thấy thông tin về chương trình khuyến mãi do chính webiste này tổ chức. Muốn có được sản phẩm, người dùng phải để lại một số thông tin như họ và tên, số điện thoại, tuổi và chiều cao.
Sau khi điền đủ thông tin như hướng dẫn, phóng viên ngay lập tức nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên tư vấn hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm tăng chiều cao. Người này giới thiệu, sản phẩm Omiron Calcium được các chuyên gia nghiên cứu và sản xuất dựa trên phân tích mật độ xương của con người, khí hậu của Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ Y tế không cấp giấy tờ "kiểm định" cho bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào. Loại "kiểm định" mà người này nói trên thực tế chỉ là "Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm" mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Còn về việc chất lượng sản phẩm có tốt và đúng như doanh nghiệp tự công bố hay không thì phải qua quá trình hậu kiểm mới có thể xác định được.
Có thể thấy, đây rõ ràng là chiêu trò mượn danh cơ quan y tế (cụ thể là Cục An toàn thực phẩm) để quảng cáo trái phép cho sản phẩm Omiron Calcium. Nếu không tỉnh táo, người dùng rất dễ tin vào những thông tin này và mua phải sản phẩm không có hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, nếu xem hết và để ý kỹ các chi tiết trong video này, khách hàng có thể nhận ra rằng, nội dung video dường như đã được dàn dựng trước. Bởi thông tin về hiệu quả của sản phẩm được nêu trong video là phi lý và khó thành hiện thực. Cụ thể, trong video một người (tự giới thiệu đã từng sử dụng sản phẩm) và sau 2 tháng, chiều cao được cải thiện rõ rệt mặc cho có gen di truyền về chiều cao từ cha mẹ. Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm Omiron Calcium hiện đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.
Đối với những thông tin về việc sản phẩm Omiron Calcium quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ ISAMDO (đơn vị phân phối, công bố sản phẩm) có chịu trách nhiệm? Những website quảng cáo “thổi phồng” chất lượng sản phẩm Omiron Calcium có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Trước sự việc trên, trao đổi với báo chí, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thực trạng quản lý TPBVSK đang diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ quảng cáo qua mạng xã hội, website, nhiều công ty, cá nhân còn tổ chức tư vấn sản phẩm TPBVSK qua điện thoại, trên các website hay tổng đài tư vấn, họ tự nhận là dược sĩ, bác sĩ nhưng phần lớn không có kiến thức về dinh dưỡng, là sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa tốt nghiệp... Điều này tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe, kinh tế cho người sử dụng.
Trên thực tế, khi loại hình bán hàng online phát triển mạnh, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều thông tin khuyến cáo về các sản phẩm vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, hành vi vi phạm về quảng cáo TPBVSK trên không gian mạng vẫn không giảm. Đáng nói, với nhiều hành vi quảng cáo sản phẩm TPBVSK sai quy định, khi cơ quan quản lý tìm tới làm việc, có doanh nghiệp phủ nhận trách nhiệm, biện minh rằng sản phẩm là của họ nhưng các quảng cáo vi phạm thì không biết là của ai.
Một số chuyên gia cho rằng, các quy định về quản lý TPBVSK nêu rất rõ trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu, sản xuất. Bởi vậy, muốn xử lý dứt điểm tình trạng quảng cáo "nổ không có điểm dừng" như hiện nay, cần xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa tinh thần đấu tranh với hành vi vi phạm. Bên cạnh giải pháp của các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi quảng cáo TPBVSK sai quy định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPBVSK chân chính, chính mỗi người dân cần tỉnh táo trước nội dung quảng cáo TPBVSK, tôn trọng ý kiến của bác sĩ khi điều trị bệnh cũng như khi sử dụng TPBVSK.
Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.