Vật liệu xây dựng (VLXD) đóng vai trò chủ yếu trong công tác xây dựng và là một trong các yếu tố quyết định chất lượng, giá thành, thời gian thi công công trình. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chất lượng vật liệu ngày càng được nâng cao.
Xác định vai trò, tầm quan trọng của VLXD đối với công trình xây dựng tại Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định liên quan đã điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung quy định cụ thể về VLXD. Để nâng cao và quản lý chất lượng các sản phẩm VLXD, ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành QCVN 16:2019/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phải đảm bảo không gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm phải kê khai đúng chủng loại sản phẩm, hàng hóa VLXD phù hợp với danh mục sản phẩm quy định tại Bảng 1, Phần 2 của Quy chuẩn này gồm: Xi măng, phụ gia cho xi măng và bê tông (xi măng poóc lăng, xi măng poóc lăng khác, thạch cao phospho dùng để sản xuất xi măng, xỉ hạt lò cao, tro bay); Cốt liệu xây dựng (cốt liệu cho bê tông và vữa, cát nghiền cho bê tông và vữa); Gạch, đá ốp lát (gạch gốm ốp lát, đá ốp lát tự nhiên, đá ốp lát nhân tạo trên cơ sở chất kết dính hữu cơ);
Vật liệu xây (gạch đất sét nung, gạch bê tông, sản phẩm bê tông khí chưng áp, tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép); Kính xây dựng (kính nối; kính phẳng tôi nhiệt; kính dán nhiều lớp và kính dán an toàn nhiều lớp, kính hộp gắn kín cách nhiệt); Vật liệu xây dựng khác (tấm sóng amiăng xi măng, Amiăng crizôtin để sản xuất tấm sóng amiăng xi măng, tấm thạch cao và Panel thạch cao có sợi gia cường, sơn tường dạng nhũ tương, thanh định hình (profile) nhôm và hợp kim nhôm, thanh định hình (profile) poly (vinyl clorua) không hóa dẻo (PVC-U) dùng để chế tạo cửa sổ và cửa đi, các loại ống…).
Trường hợp không rõ chủng loại sản phẩm, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải phối hợp với tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm để thực hiện việc định danh chủng loại sản phẩm. Các sản phẩm, hàng hóa VLXD quy định tại bảng 1, phần 2 của Quy chuẩn này khi lưu thông trên thị trường phải có Giấy chứng nhận hợp quy, Giấy công bố hợp quy và/hoặc thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh. Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm, trên bao gói hoặc trên nhãn gắn trên sản phẩm hoặc trong chứng chỉ chất lượng, tài liệu kỹ thuật của sản phẩm.
QCVN 16:2019/BXD quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nêu trong bảng 1, phần 2, thuộc Nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam. Quy chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu dưới dạng mẫu thử, hàng mẫu, hàng trưng bày triển lãm, hội chợ; hàng hóa tạm nhập tái xuất không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam, hàng hóa quá cảnh.
Ảnh minh họa |
Đối tượng áp dụng quy chuẩn này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng sản phẩm, hàng hóa VLXD. Các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy thực hiện việc đánh giá, chứng nhận hợp quy, sản phẩm, hàng hóa VLXD. Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan về chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD.
Trước đó, liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp vật liệu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.
Hiện nay, năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế do đó phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, vật liệu gang chế tạo đạt dưới 30%; vật liệu nhôm, vật liệu đồng khoảng 5%; hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi...
Trong hoạt động khoa học và công nghệ, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là hướng nghiên cứu ưu tiên, được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết số 20- NQ/TW; Quyết định 418/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020... Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực công nghiệp vật liệu nói riêng.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển riêng về vật liệu đã có 16/58 công nghệ ưu tiên (chiếm 27,5% tổng số) và 19/114 nhóm sản phẩm (chiếm 16,6% danh mục sản phẩm khuyến khích phát triển).
Trong hoạt động nghiên cứu, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và công nghệ tự động hoá. Từ năm 2001 đến nay, Bộ KH&CN đã bố trí riêng 01 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác.
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.
Bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN còn quan tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp vật liệu thông qua hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Giai đoạn 2011-2020 đã công bố 2.069 TCVN với tỉ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế xấp xỉ 72%, 50 QCVN; đã có 6.031 bằng độc quyền sáng chế; 348 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; 20.705 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong lĩnh vực vật liệu…