Từ 1/8, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, theo đó, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này. Có thể nói, đây là cơ hội lớn của các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 quay trở lại lần 2 và đang diễn biến phức tạp.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội cực lớn, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Cùng với đó, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.
Với ngành gỗ, EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới, mặc dù Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của thị trường này.
Ngoài việc hưởng lợi thế về thuế suất, Hiệp định này còn hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cơ hội nhập khẩu máy móc chất lượng cao, tiếp cận nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại EU…
Với ngành da giày, khả năng phát triển, mở rộng thị trường của ngành da giày Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều nhờ những hiệu ứng tích cực của EVFTA. EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng da giày lớn thứ 2 của Việt Nam với khoảng 30% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, Đức, Pháp, Bỉ là các thị trường chính. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu hơn, đồng thời, tạo xung lực thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ.
Với lĩnh vực xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo sang EU năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng mạnh do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Do vậy, tới đây, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU là rất lớn.
Tại Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh Châu Âu (EVFTA) được tổ chức ngày hôm qua (31/7), ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội EuroCham cho biết, từ 1/8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 99% các dòng thuế sẽ được cắt giảm trong một thập kỷ tới. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp châu Âu tiếp cận vào thị trường tiêu dùng mới của Việt Nam. Hàng hóa của Châu Âu từ ô tô đến rượu vang có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường Việt Nam cùng với các đối tác khác
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ