Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Doanh nghiệp liên quan nhóm Tây Giang nợ trái phiếu gấp 123 lần vốn

nguoiduatin 10:49 18/05/2023

Kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của Revital Việt Nam chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, trong khi dư nợ trái phiếu của công ty lên đến 1.155 tỷ đồng (gấp 123 lần).

CTCP đầu tư Revital Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022. Theo đó, Revital Việt Nam tiếp tục kinh doanh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 193 tỷ đồng (năm 2021 âm 156,5 tỷ đồng).

Việc lên tục kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của công ty tính đến 31/12/2022 chỉ còn 9,4 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả lên đến 1.838,3 tỷ đồng (gấp 195,71 lần vốn chủ sở hữu) và dư nợ trái phiếu là 1.155 tỷ đồng (gấp 122,96 lần vốn chủ sở hữu).

Revital Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2014 có tên ban đầu là CTCP đầu tư Tài Tâm Việt. Tháng 12/2017, công ty tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ lên 650 tỷ đồng do bà Trịnh Thị Hà (SN 1979) làm Chủ tịch HĐQT.

Revital Việt Nam cũng được biết đến là công ty mẹ của CTCP phát triển đầu tư xây dựng Bách Giang (DCI) với tỷ lệ sở hữu lên đến 54,96%. Tháng 7/2022, công ty này đã mang toàn bộ 145,75 triệu cổ phần tại Bắc Giang DCI thế chấp cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – PVCombank.

Loạt công ty thua lỗ về chung một "nhà"

Bách Giang DCI là doanh nghiệp được thành lập từ năm 2004 và là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang trên địa bàn xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên. Hiện nay, bà Trịnh Thị Hà cũng đang là Chủ tịch HĐQT Bách Giang DCI.

Một dữ liệu của PV cho thấy, Bách Giang DCI mới sáp nhập CTCP đầu tư Thủy Hòa và Revital Việt Nam. Sau sáp nhập, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ 2.652 tỷ đồng lên 3.542 tỷ đồng.

Trước đó, Thủy Hòa cũng đã công bố tình hình tài chính nửa đầu năm 2022 với khoản lỗ sau thuế lên đến 157 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2021 công ty cũng báo lỗ 128,5 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Thủy Hòa đạt 1.464 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Thủy Hòa ở mức âm 317,5 tỷ đồng, còn nợ phải trả là 1.782 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Dư nợ trái phiếu Thủy Hòa tại ngày cuối kỳ là 495 tỷ đồng. Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu (kỳ 1/1/2022 – 30/6/2022) cho thấy công ty có khoản vay trái phiếu mã THH.BOND.2018 (phát hành ngày 17/9/2018) với tổng giá trị 945 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV , CTCP Đầu tư Thủy Hòa tiền thân là CTCP Truyền thông Kim Ý, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực viễn thông.Công ty này thành lập vào ngày 29/11/2010 bởi 3 cổ đông cá nhân là Ngô Thị Dương, Đinh Xuân Tiến và Đinh Hữu Hải, tuy nhiên đến tháng 3/2016 các cổ đông này đã thoái vốn khỏi.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2016-2018 thượng tầng công ty này cũng ghi nhận biến động lớn. Theo đó, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật đã được chuyển giao từ ông Nguyễn Phú Dũng (SN 1985), sang bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1982), và từ ngày 13/9/2018 đến nay do ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1989) phụ trách.

Sau khi ông Hùng lên nắm quyền, vào ngày 14/9/2018, Truyền thông Kim Ý đã được đổi tên thành Thủy Hòa, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên mức 240 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Thủy Hòa có nhiều liên hệ với Công ty TNHH Familia Phúc Lợi- công ty con của CTCP Familia - chủ đầu tư dự án chung cư Discovery Complex Hoàng Quốc Việt tọa lạc tại số 25 Hoàng Quốc Việt, TP.Hà Nội.Thủy Hòa tính đến tháng 7/2022 là cổ đông lớn nắm 44,966% vốn Bách Giang DCI và cũng mang khối cổ phần này thế chấp cho PVComBank.

"Sợi dây" Tây Giang Group

Nói về bà Trịnh Thị Hà, nữ doanh nhân này từng là Chủ tịch HĐTV, nắm giữ 95% cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận 3. Ngoài ra, bà Hà hiện đang đứng tên tại CTCP Veracity, CTCP Familia, CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Phục Hưng, Công ty TNHH MTV Tài Tâm Tây Bắc. Các doanh nghiệp này đều nằm trong hệ sinh thái của Tây Giang Group - tập đoàn hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực khoáng sản, tài chính, địa ốc.

Theo thống kê của PV cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022, các tổ chức phát hành liên hệ đến nhóm này đã huy động thành công 7.832,5 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 1,25 năm – 7 năm. Lãi suất dao động từ 11,75%-12,5%.

Tập đoàn Tây Giang (TG Group) là một "Group" hoạt động đầu tư đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là khai thác khoáng sản tại một số địa phương miền núi phía Bắc. Trong đó, CTCP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (Tây Giang) đóng vai trò hạt nhân chính khi tham gia rót vốn tại nhiều công ty thành viên.

Theo tìm hiểu, Tây Giang được thành lập từ tháng 9/2010, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Tuyết (SN 1969).

Trong lĩnh vực khai khoáng, Tây Giang Group đang sở hữu nhiều dự án lớn như: Nhà máy sản xuất chì kim loại điện giải công suất 10.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 720 tỷ (Khu công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang); Nhà máy sản xuất Ferrromangan và Dioxit Mangan điện giải, tổng mức đầu tư 578 tỷ đồng (xóm Bản Gủn, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, Cao Bằng)….

Ngoài các dự án nghìn tỷ nêu trên, Tây Giang Group còn nắm một hệ sinh thái đồ sộ với nhiều công ty con, công ty liên kết; chẳng hạn CTCP Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn - chủ dự án Nhà máy luyện gang và xỉ giàu mangan (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn); Công ty TNHH Khai Khoáng Bắc Kạn – chủ dự án công trình khai thác và chế biến tinh quặng chì kẽm tại (mỏ Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), công suất 180.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng…

Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang – doanh nghiệp do bà Trịnh Thị Hà nắm 55% là một thành viên của Tây Giang Group. Vào tháng 6/2015, Cốc hóa Tây Giang đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Địa Việt nhằm hợp tác đầu tư góp vốn thực hiện, khai thác, chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất than cốc công suất 600.000 tấn/năm, tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Nhóm Tây Giang cũng có tham vọng ở lĩnh vực địa ốc và là chủ một loạt dự án như: Chung cư Discovery Complex Hoàng Quốc Việt (số 254 Hoàng Quốc Việt, TP. Hà Nội); nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building (vị trí tại thửa B, khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội); Chung cư DLC Complex (số 199 Nguyễn Tuân, TP. Hà Nội); hợp tác/liên danh với CTCP Xây lắp điện 1 (HOSE: PC1) làm chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng – Royal Hotel và trúng sơ tuyển tại dự án Phát triển đô thị số 4A1 (phường Đề Thám, TP. Cao Bằng).

Đáng chú ý, Tây Giang Group từng cùng với CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (nay là VID Group) của vợ chồng doanh nhân đình đám Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường góp vốn sáng lập CTCP Khai thác Chế biến Khoáng sản Việt với tỷ lệ lần lượt là 55% và 42%.

Nhóm Tây Giang Group cũng có một số thương vụ với HBRE Group của doanh nhân Hồ Tá Tín. Theo đó, ông Trần Quốc Tuấn- một nhà đầu tư có liên hệ với Tây Giang Group, tính đến tháng 12/2016 sở hữu 10% vốn CTCP Giải pháp Năng lượng gió HBRE.

Ngoài ra, bản thân bà Trịnh Thị Hà tính đến tháng 9/2021 sở hữu 3 triệu cổ phiếu CTCP Giải pháp năng lượng gió HBRE - chủ đầu tư siêu dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên 13.000 tỷ đồng (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk). Dự án được thi công vào ngày 6/3/2015, với công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tháng 4/2020, dự án trong giai đoạn 1 đã đưa vào vận hành 5 tuabin gió, công suất 12 MW. Đến năm 2022, dự án được triển khai thêm 3 giai đoạn với tổng công suất là 436MW, nguồn vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng.

Link gốc : https://antt.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-lien-quan-nhom-tay-giang-no-trai-phieu-gap-123-lan-von-1505.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp liên quan nhóm Tây Giang nợ trái phiếu gấp 123 lần vốn tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường