Bộ Thông tin và truyền thông vừa cảnh báo: Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, mọi người cần cảnh giác cao độ trước những thông tin, hình thức lừa đảo lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe như: Giả mạo thông tin của tổ chức y tế như Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương của Việt Nam, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh gửi thư điện tử cho nạn nhân với tập tin đính kèm, hoặc các liên kết dẫn đến các nội dung về “cập nhật” tình hình lây nhiễm của COVID-19.
Khi mở các tập tin đính kèm hay nhấp vào các liên kết, máy tính của nạn nhân sẽ bị tấn công bởi các mã độc hoặc có thể bị lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng được lưu trữ trực tuyến sẽ đánh cắp.
Cảnh báo: Nhiều thủ đoạn lừa đảo lợi dụng dịch Covid-19 |
Các đối tượng còn giả mạo trang web liên quan đến COVID-19. Đây là một trong các loại hình gian lận mới, cụ thể là trong thời gian gần đây rất nhiều tên miền Internet có chữ “COVID” đã được đăng ký.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá các sản phẩm mạo nhận có khả năng phòng ngừa virus như vaccine để lừa nạn nhân hay các phương thuốc chưa từng được kiểm chứng. Bên cạnh đó, còn xuất hiện trường hợp đối tượng xấu giả làm bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện mạo nhận là chúng đã điều trị cho bạn bè hay người thân của nạn nhân khỏi COVID-19 và yêu cầu nạn nhân thanh toán phí cho quá trình điều trị. Đối tượng lừa đảo còn tạo lập nên các website bán hàng trực tuyến bán các vật tư y tế như khẩu trang y tế và nước rửa tay, các bộ kit test nhanh qua mạng.
Đối tượng lừa đảo còn lợi dụng nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ như: Mạo danh các nhãn hàng lớn, gửi link lạ kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng,… nhằm lừa đảo, chiếm tài sản người dùng, xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp, tổ chức. Rất có thể, đối tượng xấu sẽ khai thác các thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân để trục lợi, đánh cắp tiền. Hiện đường link ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro này đang lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam. Đơn cử như hàng loạt người dùng Facebook nhận được tin nhắn có tiêu đề cùng đường link: “Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà”; Tin nhắn kêu gọi tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola”; Mạo danh Co.opmart gửi link kèm thông tin về quà tặng, trúng thưởng phiếu mua hàng… nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm nhập hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong khi đó, một vài đối tượng sử dụng hình thức liên quan đến hoạt động từ thiện. Với hình thức này, đối tượng lừa đảo tranh thủ tâm lý giúp đỡ cộng đồng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã dụ dỗ nạn nhân quyên góp cho các quỹ từ thiện lừa đảo do chúng lập ra mạo nhận là giúp đỡ những cá nhân, đồng bào, hay khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài ra chúng còn dụ dỗ nạn nhân đóng góp cho hoạt động phát triển vaccine chống lại virus hoặc tặng khẩu trang miễn phí đã được tẩm thuốc mê…
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo