Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Bán lẻ của Trung Quốc “ngược dòng” trong dịch Covid-19 nhờ ứng dụng công nghệ

Nguyễn Triệu 00:08 20/09/2020

Thị trường bán lẻ Trung Quốc đã từng rơi vào hố đen vì đại dịch SARS vào năm 2003. Kịch bản tồi tệ này đã có nguy cơ tái diễn khi đại dịch Covid-19 kéo đến.

Taobao - cuộc cách mạng công nghệ trong thời kỳ internet chưa phổ cập

Vào đầu những năm 2000, việc mua sắm trực tuyến hay khái niệm “thương mại điện tử” (TMĐT) còn rất mới mẻ, thậm chí việc sử dụng internet cũng chưa phổ biến. Lúc ấy, eBay là nền tảng bán lẻ trực tuyến thống trị tại Trung Quốc trong khi Alibaba mới ra đời được 4 năm và tập trung vào mảng B2B (Business to Business) – kết nối doanh nghiệp mua tại Mỹ với các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc.Quyết định ra mắt Taobao vào thời điểm đó được cho là quá táo bạo và gần như không có cơ may thành công.

Nhưng lịch sử đã ghi nhận kết quả hoàn toàn trái ngược. Ngay giữa đại dịch với lệch giãn cách toàn Trung Quốc, Taobao được hoàn thiện và cho ra mắt, đón đầu nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh giữa các cá nhân bán hàng với người mua (còn gọi là Customer-to-Customer). Đối đầu với eBay, Taobao đã thu hút hàng loạt người bán bằng cơ chế miễn phí đăng bán hàng trong 3 năm đầu.(1) Ở mảng B2B, trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi SARS và phải hạn chế di chuyển, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Alibaba để mua hàng. Năm đó, doanh thu của Alibaba tăng 50%, thậm chí, nhiều thời điểm doanh thu hàng ngày chạm mốc 10 triệu Nhân dân tệ (gần 34 tỷ đồng). Một nửa trong số 1,4 triệu nhà cung cấp trên nền tảng B2B của Alibaba cũng thấy doanh số bán hàng tăng mạnh.

Taobao ra mắt trong đại dịch SARS, trở thành công ty TMĐT hàng đầu trên thế giới (Nguồn: Alibaba)

Chỉ sau 2 năm, Taobao trở thành sàn TMĐT hàng đầu tại Trung Quốc. Năm 2006, Taobao đã dẫn đầu thị phần trong thị trường bán lẻ tỷ đô này, khiến ông lớn gốc Mỹ eBay buộc phải rút lui.(2)Dịch SARS thực sự là một bước ngoặt đối với Alibaba trong hành trình trở thành công ty TMĐT lớn mạnh nhất ở Trung Quốc và trên cả thế giới. Nhưng Alibaba không dừng lại ở đó, họ lại một lần nữa nhìn thấy cơ hội trong đại dịch Covid-19.

LST mở ra giai đoạn “bình thường mới” cho hàng ngàn tiệm tạp hóa

Ở Trung Quốc, bán lẻ truyền thống rất phân mảnh. Các cửa hàng hoạt động độc lập, thường được điều hành bởi những chủ sở hữu có chuyên môn thấp - các quyết định thường tùy ý, doanh thu được lưu trong sổ ghi chép và nguồn cung ứng hạn chế. Cùng lúc đó, các nhãn hàng và nhà sản xuất lại phải thông qua mạng lưới khổng lồ với nhiều cấp trung gian từ nhà phân phối, nhà bán buôn đến các nhà cung cấp, cửa hàng để phân phối sản phẩm. Mô hình hoạt động này tồn tại nhiều lỗ hổng như: khó kiểm soát chất lượng sản phẩm – dễ trà trộn các sản phẩm kém chất lượng - thông tin phản hồi một chiều, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng nhưng không có chiều ngược lại, và đặc biệt chi phí tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng cấp trung gian.

Năm 2017, ứng dụng LST được Alibaba giới thiệu ra thị trường với mục tiêu giúp kết nối các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa vào chuỗi cung ứng, kho vận và cơ sở dữ liệu khổng lồ của Alibaba. Ứng dụng này ra mắt với mục tiêu trở thành cầu nối trực tuyến cho 6,8 triệu cửa hàng tạp hóa tại Trung Quốc (3) với người tiêu dùng, đặc biệt tại khu vực nông thôn - nơi mà 85% doanh số bán lẻ vẫn đến từ các hoạt động mua sắm trực tiếp. Chủ cửa hàng có thể sử dụng LST với nhiều mục đích: tìm nguồn cung ứng, phân loại hàng hóa hay trở thành cửa hàng mang thương hiệu Tmall.

LST giúp tối ưu quy trình vận hành giữa nhà sản xuất và tiệm tạp hóa tại Trung Quốc (Nguồn: China Daily)

Jason Ding, lãnh đạo cao cấp của Bain & Company tại Bắc Kinh bày tỏ quan điểm: “Đây chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của Alibaba, vì nó sẽ giúp công ty này tiếp cận được tầng lớp người tiêu dùng lớn tuổi, là những người thích mua sắm trực tiếp, và giảm phụ thuộc vào doanh thu bán hàng trên mạng”

Trong giai đoạn dịch Covid-19, LST thực sự phát huy sức mạnh khi xã hội một lần nữa phảigiãn cách do đại dịch Covid-19, tạo ra nhiều khó khăn trong chuỗi cung ứng. LST nổi lên khi đem đến nhiều lợi ích, thậm chí có thể thay đổi toàn bộ cách vận hành thị trường bán lẻ.

Đối với nhà sản xuất và các chủ cửa hàng kinh doanh, LST giúp tối giản quy trình vận hành, cắt giảm chi phí do loại bỏ được các khâu trung gian. Alibaba cũng đang tìm cách cung cấp bộ dịch vụ đầy đủ cho các đối tác bán lẻ của mình ngoài thương mại điện tử truyền thống, bao gồm tiếp thị kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, hậu cần, điện toán đám mây…Nền tảng LST còn cho phép các thương hiệu sản phẩm theo dõi việc mua hàng thực tế, từ đó nhận được phản hồi từ người tiêu dùng để cải tiến sản phẩm, nhắm đến khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn.

Song song, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ nền tảng này. Việc tối ưu chi phí vận hành sẽ giúp giảm chi phí bán lẻ của sản phẩm. Họ có thể đến các tiệm tạp hóa sử dụng nền tảng LST, đặt mua lẻ với giá sỉ. Đặc biệt, khách hàng cũng sẽ không mất nhiều thời gian di chuyển mua sắm tại nhiều nơi mà chỉ cần tới tiệm tạp hóa thân quen, gần nhà để trải nghiệm TMĐT ngay tại cửa hàng truyền thống.

Giống như Trung Quốc, kênh bán lẻ truyền thống tại Việt Nam trong đó phần lớn là các cửa hàng tạp hóa cũng đang chiếm tới hơn 70% thị phần và đang từng bước thích ứng với thời kỳ mới khi đã có những thay đổi ngoạn mục trong thời đại 4.0

Mới đây, một số nguồn tin cho biết VinShop - một ứng dụng công nghệ được cho là của Tập đoàn One Mount Group (Công ty con thuộc Vingroup) sắp ra mắt sẽ giúp chủ tiệm tạm hoá Việt kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất. Theo đó, các chủ tiệm tạp hóa có thể đặt hàng với mức giá ưu đãi từ các thương hiệu và nhà cung cấp, tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng của mình ngay trên ứng dụng và hỗ trợ thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử VinID Pay.

Một cửa hàng tạp hoá được cho là đang kết hợp với VinShop - một ứng dụng công nghệ sắp ra mắt.

Với những lợi thế riêng biệt, kênh bán lẻ truyền thống này nếu được tối ưu hoá công nghệ chắc chắn sẽ còn lấn sân hơn nữa trong cuộc đua miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam.

Nguyễn Triệu -Sở Hữu Trí Tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ban-le-cua-trung-quoc-nguoc-dong-trong-dich-covid-19-nho-ung-dung-cong-nghe-d82698.html

Bạn đang đọc bài viết Bán lẻ của Trung Quốc “ngược dòng” trong dịch Covid-19 nhờ ứng dụng công nghệ tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường