Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 03/05/2024

Thách thức lớn cho mỹ phẩm Việt ngay tại thị trường...Việt Nam

Theo ANTT 11:45 24/10/2019

Theo nghiên cứu của Asia Plus, Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Vừa qua, theo thông tin từ thanhnien, tập đoàn Amorepacific vừa tổ chức họp báo dành riêng cho các đại diện từ năm quốc gia Đông Nam Á, gồm có: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia cho biết đang nhắm đến mục tiêu đạt 500 tỉ won (tương đương 423,5 triệu USD) doanh thu hằng năm đến năm 2023 tại Đông Nam Á.

Trong đó, AmorePacific xác định Việt Nam là thị trường sôi động và dự tính sẽ triển khai chiến lược kinh doanh nhiều khác biệt để tạo ra thế mạnh cạnh tranh.

Vì sao Việt Nam là vùng đất hứa hẹn nhiều cơ hội cho kinh doanh mỹ phẩm?

Theo ông Robin Na, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Amorepacific, thị trường Việt Nam có đặc tính khác biệt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Nhưng Việt Nam có đối tượng người tiêu dùng trẻ và năng động, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da.

Cùng với đó là sự tăng trưởng của kênh bán hàng trực tuyến. Vì vậy mục tiêu của tập đoàn tại Việt Nam là làm sao để có một chiến lược kinh doanh khác biệt và hiệu quả để tạo ra thế mạnh cạnh tranh.

Theo nghiên cứu của Asia Plus, Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê, hiện một phụ nữ thuộc lớp trung lưu ở Việt Nam chi trung bình 450.000 - 500.000 đồng/tháng cho các sản phẩm trang điểm. Sự gia tăng mức chi tiêu trung bình này chủ yếu đến từ những phụ nữ trong độ tuổi 25 - 45 có thu nhập hàng tháng từ 20 triệu đồng trở lên.

Công ty Asia Plus đã tiến hành khảo sát việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm của gần 500 phụ nữ trong độ tuổi 16 - 39 trên cả nước. Kết quả cho thấy, trong 3 năm gần đây, số lượng phụ nữ có trang điểm tăng từ 76% lên 86%, đồng thời, số người trang điểm thường xuyên (ít nhất 4 lần/tuần) cũng tăng từ 35% lên 39%.

Có tới 73% sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất một lần/ một tuần hoặc thường xuyên hơn. Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt.

Việc sử dụng các sản phẩm trang điểm vẫn đang tăng lên cả về mức độ thường xuyên sử dụng và chi tiêu cho hạng mục này. Số người trang điểm hàng ngày tăng lên con số 30% và số người hoàn toàn không trang điểm giảm từ 24% (2016) xuống 14% (2019). Những sản phẩm trang điểm được dùng phổ biến nhất là son môi, kem nền và phấn má hồng.

Hơn nữa, chi tiêu hằng tháng trung bình cho mỹ phẩm của người Việt cũng đã đạt khoảng 300.000 đồng, tức khoảng 13 USD/người/năm, tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn 2016-2017, đây là tín hiệu tốt cho các cá nhân, tổ chức đầu tư vào Việt Nam về ngành mỹ phẩm, theo Q&Me.

Thị trường Việt Nam, nhưng có đến 90% thị phần trong tay các tên tuổi ngoại

Báo cáo của Nielsen cho biết, 90% thị phần mỹ phẩm nằm trong tay các tên tuổi ngoại. Còn theo Hiệp hội Mỹ phẩm - Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, các thương hiệu đến từ Hàn Quốc đang nắm 30% thị phần, kế đó là EU (23%); Nhật (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%).

Các thương hiệu đến từ Hàn Quốc đang nắm 30% thị phần.

Hiện tại, không riêng doanh nghiệp Hàn Quốc như AmorePacific (nhãn hàng Sulwhasoo, Mamonde, Laneige, Innisfree, Etude House...), LG Household & Health Care (Ohui, The Face Shop, Whoo, Isa Knox, Sooryehan, SU:M37...), Skinfood, Nature Republic, Stylenanda (3CE)... mà các công ty mỹ phẩm nước ngoài khác cũng đều đẩy mạnh hoạt động.

Có thể kể đến Shiseido, Naris, Sakura Beauty Solution (Sakura), Menard, Shu Uemura của Nhật hay L’Oréal, Clarins, Nivea, Dior... của châu Âu, Maybelline, ColourPop, Murad, MAC, NYX, Estée Lauder, Clinique của Mỹ. Các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Kao, P&G cũng tích cực củng cố vị thế.

Theo thanhnien, số liệu do Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam với 30% thị phần. EU đứng ở vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%), các quốc gia còn lại đóng góp 7%.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam 2,3 tỷ USD nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ có 10% thị phần. Vì sao lại như vậy?

Các doanh nghiệp mỹ phẩm Việt Nam đã cố gắng cải tiến công nghệ để phát triển, nhưng do đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên không thể đuổi kịp công nghệ của các tập đoàn lớn. Ở phân khúc hàng cao cấp, mỹ phẩm ngoại chiếm gần hết thị phần, vì công ty nội không có kinh phí đầu tư phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

Một số nhãn hàng xác định thị trường trọng điểm là xuất khẩu chứ không phải trong nước nên họ không chi mạnh cho quảng bá tại Việt Nam. Chính vì thế, người tiêu dùng không biết đến tên của các sản phẩm chất lượng trong nước.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng, những người kinh doanh không cần có bất kỳ mánh lới phức tạp nào, mà chỉ cần “ra trận” với sản phẩm tốt cùng sự trung thực, chân thành và quan tâm tới những nhu cầu dù nhỏ nhất của khách hàng là nắm chắc phần thắng.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thach-thuc-lon-cho-my-pham-viet-ngay-tai-thi-truongviet-nam-d62602.html

Bạn đang đọc bài viết Thách thức lớn cho mỹ phẩm Việt ngay tại thị trường...Việt Nam tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh