Theo đó, quy định về phương tiện đo trong quan trắc: Phương tiện đo, thiết bị đo dùng trong quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao thuộc danh mục phải kiểm định, hiệu chuẩn, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường.
Các chỉ tiêu thông số kỹ thuật đối với phương tiện đo tối thiểu đạt mức quy định trong Quy chuẩn; chấp nhận những chỉ tiêu thông số kỹ thuật quốc gia và quốc tế có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn các quy định trong Quy chuẩn này.
Phương tiện đo không thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định, hiệu chuẩn phải có hồ sơ về nguồn gốc xuất xứ, đặc tính kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/4/2023, thay thế Thông tư số 25/2012/TT-BTNMT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn thông tin thêm, hiện nay mạng lưới quan trắc và truyền tin của Việt Nam đã được quan tâm và đầu tư nhiều trang thiết bị. Cụ thể, có 186 trạm khí tượng bề mặt, 2.500 điểm đo mưa tự động; 14 trạm đo bức xạ, 232 trạm thủy văn, 26 trạm khí tượng thủy văn biển, 10 radar thời tiết, 179 trạm quan trắc môi trường không khí, nước và 18 trạm định vị sét.
Trên cơ sở chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình “Chuyển đổi số tài nguyên và môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ TN&MT, ngành đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á, đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống thiên tai.
Để thúc đẩy tiến trình xây dựng, vận hành các hệ thống thông minh hóa, tối ưu hóa, tự động hóa các quy trình, hỗ trợ hoạt động của ngành, Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Tổng cục giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, Tổng cục đang triển khai các hướng nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác nhau trong các bài toán cụ thể của ngành, trong đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo bão, dự báo định lượng mưa lớn, dự báo nước dâng do bão đang là hướng nghiên cứu trọng tâm ban đầu.
Trong thời gian tới, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bài toán nhận dạng hình thái khí tượng thủy văn nguy hiểm cũng đang được nghiên cứu triển khai với sự phối hợp các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Cục công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường (Bộ TN&MT), các Trường Đại học trong nước. Đồng thời nhiều cán bộ của Tổng cục đang tham gia và chủ trì các Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ TN&MT về chuyển đổi số và Chương trình cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”.
Bên cạnh đó, Tổng cục đang tiếp tục đầu tư, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý dữ liệu, xây dựng hệ thống trợ lý ảo khí tượng thủy văn nhằm tự động cung cấp thông tin thời tiết cho người dùng; ứng dụng công nghệ thực tế, tương tác ảo trong việc thể hiện các thông tin khí tượng thủy văn.
Những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực khí tượng thủy văn sẽ mang lại giá trị đáng kể, tiết kiệm thời gian trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành và sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp ngành tiết kiệm sức lao động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa, số hóa ngành khí tượng thủy văn.