Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Làm chủ công nghệ - yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động

vietq 16:20 11/03/2023

Với một doanh nghiệp thì vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Nhưng tại Việt Nam, việc quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và

Hiện nay, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc cải thiện, nâng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) cho rằng, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm… Không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở phần còn lại của Châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất (điều kiện cần thiết để một nền kinh tế cất cánh, vượt qua thu nhập trung bình đến thu nhập cao).

Vậy nên, để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng thì chìa khóa chính là nâng cao NSLĐ, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nếu năng suất thấp sẽ là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và tính bền vững. Do đó, thúc đẩy tăng NSLĐ hiện đang là mục tiêu quan trọng được Việt Nam chú trọng; đặc biệt là nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp - khu vực đóng vai trò quyết định tới nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế.

Sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào trình độ công nghệ. Ảnh minh họa.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với một doanh nghiệp thì vấn đề công nghệ luôn được coi là “xương sống” giúp doanh nghiệp phát triển và tăng năng suất lao động. Nhưng tại Việt Nam, việc quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ.

Chính vì vậy, “điểm nghẽn” ở đây chính là công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ còn thấp. Do đó, để khắc phục được vấn đề trên thì yếu tố quan trọng vẫn là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Quý - Tổng Giám đốc Công ty CP Quý Phát cũng khẳng định, có rất nhiều vấn đề để tăng trưởng năng suất lao động trong doanh nghiệp. Chúng ta có thể kể đến chất lượng nguồn nhân lực, công nhân tay nghề cao, có chuyên môn tốt sẽ mang lại sản phẩm tốt, thời gian làm việc nhanh, ít sai lỗi…

Chiến lược nâng cao năng suất lao động cần chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ. Ảnh minh họa.

Đội ngũ lãnh đạo có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.

Hiện tại khoa học công nghệ đang phát triển, nếu không nhanh chúng ta sẽ rất dễ bị tụt hậu, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ làm giảm sai lỗi, giảm thời gian làm việc rất nhiều. “Một điều nữa theo tôi góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chính là chế độ đãi ngộ đối với lao động. Bên cạnh nâng cao năng suất thì chất lượng sản phẩm vẫn phải được chú trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển”, ông Nguyễn Minh Qúy cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, nguồn nhân lực ở nước ta có sự gia tăng nhưng quy mô không lớn như trước do đã bước vào giai đoạn già hoá dân số. Nhân lực phân bố không đồng đều giữa các ngành/lĩnh vực và theo vùng miền; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề; chuyên môn, tay nghề, kỹ năng mềm chưa cao, đặc biệt chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0. Việc làm chủ công nghệ của chúng ta đang thua kém so với các nước. Đây là nguyên nhân nổi bật tác động rất lớn đến việc nâng cao NSLĐ.

Do đó để nâng cao NSLĐ, người lao động cần tham gia các lớp học chung về NSLĐ để người lao động hiểu khái quát chung thế nào là NSLĐ và tăng NSLĐ, thấy được ý nghĩa của việc nâng cao NSLĐ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của người lao động và nâng cao NSLĐ sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và đặc biệt cho chính bản thân người lao động (do tăng NSLĐ là cơ sở để tăng lương và thu nhập cho người lao động).

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp vì điều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính người lao động. Khi có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề... thì người lao động sẽ nâng cao NSLĐ của chính bản thân mình, tạo uy tín trong môi trường làm việc và có cơ hội để nâng cao thu nhập. Vì vậy, cần có sự nỗ lực từ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để góp phần hình thành hệ ý thức, kỷ luật chung của người lao động.

Cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết Làm chủ công nghệ - yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động tại chuyên mục Hợp tác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hợp tác
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, phải đơn giản hóa danh mục kiểm tra chuyên ngành, rà soát đánh giá lại toàn bộ Luật Kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh thực hiện lộ