Hà Nội, Chủ nhật Ngày 28/04/2024

Formosa Hà Tĩnh quy mô vốn 5,5 tỷ USD lỗ lũy kế hơn 1 tỷ sau 2 năm do đâu?

DTVN 09:20 05/09/2020

Formosa được cho là doanh nghiệp hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ - Trung khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế tối đa 456% lên các sản phẩm thép của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan

Nguyên nhân lỗ của Formosa Hà Tĩnh cao đột biến là do chi phí đầu vào

Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) sau 4 năm sự cố môi trường và 2 năm đi vào vận hành lò cao số 2, hiện đang là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tàu của tỉnh Hà Tĩnh.

FHS nhận được Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 12 tháng 6 năm 2008. Hiện nay dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với vốn điều lệ 5,5 tỷ USD. Cổ đông lớn nhất của FHS là tập đoàn sản xuất nhựa Đài Loan (Trung Quốc) Formosa Plastic nắm hơn 70% cổ phần, tiếp theo là Taiwan Steel nắm giữ 20% và cuối cùng là công ty thép Nhật Bản nắm 4%.

Quy hoạch dự án gồm hai kỳ bốn giai đoạn, kỳ thứ nhất dự kiến sản xuất thép thô và tiêu thụ các loại thép như: thép cuộn cán nóng thô, thép cuộn cán nóng, thép thanh cuộn, thép dây cuộn…

Formosa hiện có 2 lò cao, với công suất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm. Năm 2019, sản lượng thép của Formosa đạt gần 5,1 triệu tấn (tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2018). Formosa có kế hoạch xây lò cao thứ 3 để nâng công suất lên 22,5 triệu tấn/năm.

Theo số liệu của chúng tôi, năm 2019 Formosa Hà Tĩnh đạt doanh thu 71.664 tỷ đồng, tăng 11,66% so với năm 2018 (64.175 tỷ). Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của công ty này lỗ 11.538 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 2.727 tỷ đồng. Như vậy tính ở thời điểm này Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế lên đến 25.388 tỷ đồng, tương đương gần 1,1 tỷ USD, bằng 1/5 vốn điều lệ.

Trong khi đó, doanh nghiệp thép trong nước là Hòa Phát, vốn điều lệ 33.132,8 tỷ, bằng 1/3 của Formosa, tuy nhiên bình quân mỗi năm lợi nhuận của Hòa Phát mang về hơn 9.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến mức lỗ 2019 của Formosa Hà Tĩnh cao đột biến là do chi phí đầu vào tăng mạnh kéo lãi gộp năm 2019 chỉ đạt chưa đến 800 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ đạt 1,1% so với hơn 17% của Hòa Phát.

Những tháng đầu năm, sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phôi thép, thép thành phẩm của Công ty Formosa giảm mạnh do hiện nay giá thép thành phẩm liên tục giảm, giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao. Cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngừng hoạt động để bảo dưỡng sửa chữa máy móc dây chuyền cán nóng 20 ngày trong tháng 1 và 10 ngày trong tháng 2.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép, 7 tháng đầu năm 2020, Formosa Hà Tĩnh sản xuất được 369.650 tấn thép xây dựng, giảm 5,12% so với cùng kỳ năm trước, bán hàng 373.310 tấn, chiếm 6,5% thị phần tổng lượng thép bán cả thị trường

Formosa hưởng lợi từ việc Mỹ áp thuế

Gia nhập thị trường Việt Nam, FHS muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất thép, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản…như hiện tại. Một trong những động lực để FHS xây dựng nhà máy tại Hà Tĩnh là Việt Nam có nhu cầu thép thành phẩm lớn.

Năm 2016, Việt Nam đã vượt Thái Lan trở thành nước tiêu thụ thép lớn nhất tại Đông Nam Á. Nhu cầu đã gấp đôi so với 10 năm trước do sự bùng nổ của lĩnh vực xây dựng, Nikkei Asian Review cho biết.

Hiện nhà máy thép của FHS có công suất đạt 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm. Con số này chưa bằng 10% so với công suất của ngành thép Nhật Bản (hiện là hơn 100 triệu tấn/năm).

FHS sẵn sàng mở rộng nhà máy thép tại Hà Tĩnh bởi diện tích đất trống xung quanh vẫn lớn, theo một nguồn tin nội bộ. Về dài hạn, tập đoàn dự kiến nâng sản lượng thép thô hàng năm lên 22,5 triệu tấn, gấp 3 lần so với hiện tại.

Không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam, FHS còn hướng tới xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á khác vì nhu cầu trong ngành công nghiệp ôtô và xây dựng hạ tầng tại khu vực này ngày càng lớn. Đó là cũng là lý do tập đoàn muốn sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng hướng tới phục vụ cho ngành ôtô.

Để thâm nhập vào thị trường này, FHS dự định sẽ hợp tác với cổ đông Nhật Bản, JFE Steel. “Hợp tác với JFE là điều tất yếu nếu muốn mở rộng dòng sản phẩm và cải thiện chất lượng. Chúng tôi sẽ tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng”, Chủ tịch Chen của FHS nói.

Tuy nhiên, FHS không muốn rơi vào một cái bẫy giống như ngành thép Trung Quốc đang gặp phải, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu có xu hướng giảm trong vài năm gần đây.

Vài năm trước, các hãng sản xuất thép của Trung Quốc không có đủ động lực để tự giảm sản lượng, bởi việc dừng hoạt động lò cao khi đã đốt lửa không dễ dàng. Kết quả, họ bắt đầu bán phá giá các sản phẩm dư thừa ra thị trường thế giới. Giá giảm mạnh và ngành thép toàn cầu vì thế mà “chịu trận” theo.

FHS hy vọng sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng lò cao số 3 vào cuối năm nay nhưng tập đoàn sẽ thận trọng nghiên cứu vấn đề này vì giá thép đang giảm, Chủ tịch FHS Chen Yuan-Cheng cho biết.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/formosa-ha-tinh-quy-mo-von-55-ty-usd-lo-luy-ke-hon-1-ty-sau-2-nam-do-dau-d81896.html

Bạn đang đọc bài viết Formosa Hà Tĩnh quy mô vốn 5,5 tỷ USD lỗ lũy kế hơn 1 tỷ sau 2 năm do đâu? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh