Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Khép lại một năm bi đát, Coteccons vẫn chưa thấy 'cửa sáng' phục hồi?

Mai Hương 09:13 08/01/2020

VCBS nhận định rằng 6 tháng đầu năm 2020, thị trường xây dựng sẽ chưa có tiềm năng phục hồi, do đó năm 2020 sẽ tiếp tục là năm thử thách đối với Coteccons.

Lợi nhuận liên tục bị bào mỏng, doanh thu sụt giảm nhiều kì liên tiếp

Trong thời gian gần đây, những con số trong báo cáo tài chính của “ông trùm” ngành xây dựng Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã gây không ít thất vọng đối với cổ đông.

Kết thúc quý III/2019, doanh thu của Coteccons đạt 6,22 ngàn tỷ đồng, giảm 23% so với cũng kỳ năm 2018. Trước đó, vào quý II/2019 và quý I/2019, doanh thu lần lượt là 5,79 ngàn tỷ đồng và 4,3 ngàn tỷ đồng, giảm lần lượt 30,27% và 1,44% so với cùng kỳ năm 2018.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, Coteccons ghi nhận 16.262 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế thu về 478 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 60% so với 9 tháng đầu năm 2018.

9 tháng năm 2019, Công ty Cổ phần Coteccons (HoSE: CTD) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan. Về lợi nhuận sau thuế, quý III/2019 ghi nhận ở mức 165 tỷ đồng, giảm mạnh đến 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế, Coteccons ghi nhận mức 477 tỷ đồng, trong khi đó cùng kì năm 2018 ghi nhận mức 1,19 ngàn tỷ đồng, giảm đến 60%.

So với kế hoạch 27.000 tỷ doanh thu và 1.300 tỷ LNTT, 9 tháng Công ty thực hiện được 60% và 46% chỉ tiêu năm. Tổng tài sản của Coteccons giảm 1.936 tỉ đồng xuống còn 14.987 tỉ đồng; trong kì, công ty đã giảm các khoản phải thu ngắn hạn từ 9.054 tỉ đồng đầu năm xuống còn 7.672 tỉ đồng vào cuối quý III.

Song song đó, nợ phải trả của Coteccons cũng giảm 2.100 tỉ đồng xuống mức 6.761 tỉ đồng. Chủ yếu là các khoản phải trả nhà cung cấp và các nhà thầu phụ.

Theo giải trình của Coteccons về nguyên nhân doanh thu giảm, công ty cho biết do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã kí nhưng triển khai hoặc triển khai chậm.Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.

Nếu những năm 2015 – 2017, ngành xây dựng tăng trưởng tích cực nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, cổ phiếu theo đó cũng thăng hoa, thì những năm gần đây, ngành này bắt đầu chùng xuống khi thị trường bất động sản bước vào trạng thái bão hòa.

Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với Chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Lợi nhuận của Coteccons giảm sâu đến từ việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, trong đó có dự án Đại đô thị Vinhomes thay đổi thiết kế xây dựng và chiến lược sản phẩm cho các dự án mới. Mặt khác, công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới trong quý 1.

Cổ phiếu CTD lao dốc không hồi kết

Coteccons vượt xa nhiều đối thủ khác khi sở hữu hàng loạt dự án khủng, hứa hẹn mang về lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, vào thời kì hoàng kim, không có gì ngạc nhiên khi cổ phiếu CTD của Coteccons liên tục nằm trong Top các cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

CTD đã từng là một trong những mã đạt nhiều thành tựu nhất. Sau chuỗi ngày tăng không mệt mỏi, CTD đạt “đỉnh” 239.000 đồng/CP vào ngày 14/11/2017, tăng 60.770 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2016.

Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, cổ phiếu CTD đang "miệt mài" lao dốc, lao dốc không hồi kết.

Đồ thị phân tích kĩ thuật cổ phiếu CTD 1 năm qua. Nguồn: finance.tvsi.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, cổ phiếu CTD đóng cửa ở mức 51.500 đồng/cp. Như vậy, một năm qua, cổ phiếu CTD đã lao từ mốc 155,100 đồng/cp (8/1/2019) xuống 51.500 đồng/cp, giảm đến 67%.

Ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã bay hơi 424 tỷ đồng trong năm qua khi cổ phiếu CTD giảm 68% xuống đáy còn 51.300 đồng/cp.

Ðánh giá về triển vọng của Coteccons, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, giá trị hợp đồng ký mới thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp này. VCSC ước tính, giá trị hợp đồng ký mới của Coteccons năm 2019 ở mức 23.100 tỷ đồng (giảm 25% so với năm 2018), riêng 3 đô thị Vinhomes đang thi công dự kiến đóng góp 15% tổng doanh thu giai đoạn 2019-2022.

VCBS cũng nhận định rằng 6 tháng đầu năm 2020, thị trường xây dựng sẽ chưa có tiềm năng phục hồi, do đó năm 2020 sẽ tiếp tục là năm thử thách đối với Coteccons.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/khep-lai-mot-nam-bi-dat-coteccons-van-chua-thay-cua-sang-phuc-hoi-d68550.html

Bạn đang đọc bài viết Khép lại một năm bi đát, Coteccons vẫn chưa thấy 'cửa sáng' phục hồi? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp