Với lực cầu yếu và áp lực bán mạnh, VN-Index chính thức thủng mốc 1.200 vào ngày 20-6 với hơn 900 mã giảm. Thị trường chứng khoán sau đó vẫn tiếp tục chứng kiến những phiên giảm điểm, nhiều mã cổ phiếu rực lửa nhiều phiên. Cơ hội kiếm lời từ hoạt động trading của nhà đầu tư ngày càng trở nên khó khăn và bất định.
Vì vậy, dòng tiền trên thị trường dịch chuyển qua những kênh ổn định hơn như đầu tư vào các cổ phiếu bền vững, ít có biến động giá hay trả cổ tức cao. Xu hướng đó đã thúc đẩy một số cổ phiếu ngược dòng tăng mạnh.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định chi trả cổ tức, thậm chí trả cổ tức tỷ lệ cao cho cổ đông. Điểm lại những ngày qua, có nhiều doanh nghiệp đã chốt ngày trả cổ tức như: Đạm cà Mau (DCM), PVGas (GAS)… Các doanh nghiệp này đều công bố ngày chốt danh sách cổ đông trong những ngày đầu tháng 7-2022.
Trong đó, Vinamilk (VNM), gương mặt quen thuộc trong top những doanh nghiệp trả cổ tức cao trên thị trường chứng khoán, cũng công bố chốt quyền cổ tức bằng tiền, tổng tỷ lệ 24,5%, tương ứng 1 cổ phiếu nhận được 2.450 đồng.
Theo đó, ngày 7-7 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách cổ đông trả cổ tức còn lại của năm 2021 (tỷ lệ 9,5%) và tạm ứng cổ tức đợt 1 của năm 2022 (tỷ lệ 15%).
Với 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Vinamilk sẽ thanh toán tổng cộng 5.120,4 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Số tiền này sẽ được chi trả vào ngày 19-8.
Vinamilk luôn nằm trong top những doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất. Những năm gần đây, công ty tập trung nguồn tiền vào các dự án đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh nên tỷ lệ chi trả cổ tức giảm nhẹ nhưng vẫn thuộc top cao trên thị trường.
Hiện tại, đến ngày chốt danh sách, cổ đông Vinamilk vẫn còn khoảng 2 tuần để “căn” mua cổ phiếu VNM nhằm hưởng cổ tức. Đây cũng là động thái khiến cổ phiếu VNM ngược dòng bứt phá, tăng mạnh các phiên vừa qua từ mức giá 66.700 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 17-6) lên đến 73.700 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 21-6), tương ứng tỷ lệ tăng 10,5% chỉ trong 2 phiên.
Thanh khoản thị trường phiên ngày 21-6 cũng tăng gần gấp đôi phiên 20-6, đạt xấp xỉ 5 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên. Với thị giá này, vốn hóa thị trường của Vinamilk đạt hơn 154.000 tỷ đồng.
Sức hút của việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đối với cổ phiếu VNM không chỉ nằm ở các nhà đầu tư trong nước, mà khối ngoại cũng đang “gom” hàng. Phiên ngày 21-6, khối lượng mua ròng của khối ngoại đạt 2,07 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch ròng hơn 152,6 tỷ đồng. Khối lượng mua ròng của khối ngoại phiên ngày 21-6 đã gấp gần 2,4 lần phiên trước đó ngày 20-6.
Dấu hiệu khối ngoại “gom” cổ phiếu VNM còn diễn ra liên tục 4 phiên gần đây nhất, từ ngày 16-6 đến ngày 21-6.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, cổ đông đã thông qua phương án cổ tức năm 2021, tỷ lệ 38,5% bằng tiền mặt (3.850 đồng/cổ phiếu), tương ứng tổng giá trị 8.046 tỷ đồng. Vinamilk đã tạm ứng 29% cổ tức cho cổ đông vào ngày 30-9-2021 và ngày 25-2. Bên cạnh đó, mức cổ tức cho năm 2022 cũng là 38,5% bằng tiền.