Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Bức tranh hai màu của ngành thép sau 6 tháng đầu năm 2020

DTVN 16:27 14/08/2020

Các lĩnh vực sử dụng thép đều bị ảnh hưởng bởi chính sách phong tỏa, khiến các nhà máy phải tạm dừng hoạt động.

Sản xuất và bán hàng ngành thép giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020

Giá thép tại Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ hàng đầu thế giới – tăng mạnh 7% chỉ trong một tuần qua do triển vọng nhu cầu tích cực sau khi sản xuất tháng 5/2020 hồi phục tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2020 và các chương trình kích thích kinh tế sẽ làm gia tăng nhu cầu thép trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Mặc dù vậy, triển vọng ngành thép thế giới nhìn chung sẽ còn khó khăn tới cả năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 6,4% trong năm 2020 do bị tác động trực tiếp bởi Covid-19, và sẽ chỉ hồi phục vào năm 2021.

Trong báo cáo có tên "Triển vọng ngắn hạn" công bố tháng 6/2020, Worldsteel dự báo sản lượng thép thô toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức 1,65 tỷ tấn, sau đó tăng 3,8% lên 1,71 tỷ tấn vào năm 2020. Dự báo này dựa trên giả định hầu hết các quốc gia sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 vào tháng 6 hoặc tháng 7/2020, nhưng biện pháp giãn cách xã hội vẫn duy trì, và các nền kinh tế có ngành luyện thép phát triển sẽ không bị bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2. Các hoạt động kinh tế dự báo sẽ hồi phục trong quý III/2020.

Về nhu cầu, theo ông Saeed Al Remeithi, Giám đốc điều hành của Emirates Steel đồng thời là Chủ tịch Ủy ban kinh tế của Worldsteel, có khả năng mức sụt giảm nhu cầu thép ở hầu hết các nước sẽ không nghiêm trọng như ở cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì Covid-19 ảnh hưởng nhiều hơn tới những ngành ít sử dụng thép như tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế phát triển, nhu cầu thép vẫn chưa hồi phục hoàn toàn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và hiện vẫn ở mức thấp.

Các lĩnh vực sử dụng thép đều bị ảnh hưởng bởi chính sách phong tỏa, khiến các nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất máy móc và ô tô dự báo sẽ còn bị ảnh hưởng kéo dài, đó là chưa kể đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thay đổi về quy trình làm việc trong các ngành sử dụng thép để đáp ứng các yêu cầu về giãn cách xã hội sẽ còn tiếp tục được áp dụng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất cũng như kế hoạch mở rộng sản xuất.

Lĩnh vực ô tô trong năm 2020 dự báo sẽ chứng kiến doanh số giảm 20% so với năm trước, nối dài chuỗi sụt giảm đã xảy ra từ năm 2018. Để ngành này hồi phục như trước khi xảy ra khủng hoảng sẽ cần vài năm, do tăng trưởng thu nhập và việc làm chưa thể sớm được khôi phục, mặc dù những lo ngại về sự an toàn có thể giúp tăng nhu cầu xe hơi trong ngắn hạn. Nguồn cung ô tô dự báo sẽ còn tiếp tục bị gián đoạn sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, do các vấn đề thanh khoản gây cản trở việc các nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô hoạt động trở lại. Xu hướng chuyển đổi sang xe điện có thể sẽ mạnh lên sau đại dịch.

Thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết trong tháng 6/2020 sản xuất thép các loại đạt hơn 1.955.949 tấn, giảm 6,17% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ 2019.

Bán hàng thép các loại đạt 1.756.515 tấn, giảm 7,19% so với tháng 5/2020, và giảm 6,1% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 300.438 tấn, tăng 14,5% so với tháng trước, nhưng giảm 21,9% so với cùng kỳ tháng 6/2019.Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 sản xuất thép các loại đạt hơn 11.621.709 tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2019

Bán hàng thép các loại đạt 10.409.055 tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đặc biệt xuất khẩu thép các loại đạt 1.855.267 tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc

Điểm qua các doanh nghiệp ngành thép trên sàn, có thể thấy chỉ một số ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng như Hòa Phát (PHG) hay Hoa Sen (HSG). Tuy vậy, đây cũng là 2 doanh nghiệp đa ngành nghề, trong đó đối với Tôn Hoa Sen, quý vừa qua là quý 3 so với năm tài chính của công ty.

Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng vẫn giảm sút so với cùng kỳ có thể kể tên như Thép Nam Kim (NKG), như Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN), SMC, Thép Việt Ý (VIS), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) hay như ống Thép Việt Đức VGPipe (VGS). Bên cạnh đó lại có rất nhiều các doanh nghiệp báo lỗ như Pomina (POM), như Thép Tiến Lên (TLH), hay như Thép Dana ý (DNY).

Đáng chú ý nhất trong nhóm doanh nghiệp kinh doanh có lãi quý 2 này phải nhắc đến Thép Việt Ý. Đây là quý kinh doanh có lãi đầu tiên của công ty sau 8 quý liên tiếp báo lỗ. Tuy vậy tính chung tháng đầu năm 2020 Thép Việt Ý vẫn ghi nhận lỗ hơn 16 tỷ đồng, cả thiện nhiều so với số lỗ gần 66 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái. Tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2020 của công ty là 561 tỷ đồng. Hiện Thép Việt ý còn khoản thặng dư vốn cổ phần 123 tỷ đồng, có hơn 173 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và gần 9 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu.

Một doanh nghiệp cũng cần nhắc đến là Pomina. Số lỗ hơn 88 tỷ đồng trong quý 2 cũng là quý thứ 6 liên tiếp công ty báo lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 166 tỷ đồng. Trong đó nửa đầu năm 2020 đã lỗ 144 tỷ đồng.

Nếu so với kết quả kinh doanh quý 1/2020 thì Tập đoàn Hoa Sen đứng đầu với tỷ lệ tăng gần 500%. Trên thực tế, quý Quý 1/2020 cũng là quý 2 của Hoa Sen - công ty báo lãi hơn 53 tỷ đồng trong khi quý này lãi sau thuế hơn 318 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận so với quý đầu năm là Hòa Phát với số lãi 2.755 tỷ đồng, trong khi quý 1 lãi 1.810 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 Hòa Phát báo lãi sau thuế 5.060 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 39.654 tỷ đồng. Kết quả này giúp Hòa Phát công bố hoàn thành hơn 46% kế hoạch doanh thu và thực hiện được 56,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tăng trưởng so với quý 1 còn có SMC, Tisco và thép tấm lá Thống Nhất TNS. Trong đó TNS đã chuyển từ lỗ quý 1 sang lãi quý 2, dù số lãi chưa đến 2 tỷ đồng. Thép Dana Ý lỗ giảm sút xấp xỉ 18 tỷ đồng so với quý đầu năm, còn âm 38,7 tỷ đồng.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/buc-tranh-hai-mau-cua-nganh-thep-sau-6-thang-dau-nam-2020-d80747.html

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh hai màu của ngành thép sau 6 tháng đầu năm 2020 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh