Doanh nghiệp hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm trong quý III
Ngành nhựa Việt Nam thu hút nhiều nhà sản xuất mới trong giai đoạn 2015-2018 khiến cho tổng công suất vượt 1,8 đến 2 lần nhu cầu thị trường, dẫn đến cuộc chiến về giá tranh giành thị phần. Do vậy, nhiều doanh nghiệp lớn như Nhựa Bình Minh, Nhựa Đông Á, Nhựa Tân Tiến… lợi nhuận giảm hoặc chững lại 3 năm gần đây.
Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ( HNX: NTP ) cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế quý III tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.Bước sang năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh lao đao. Tuy nhiên do biên lợi nhuận thấp, nhiều doanh nghiệp sản xuất được hưởng lợi bởi giá nguyên liệu đầu vào thấp thúc đẩy lợi nhuận. Tính đến quý III, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn còn được hưởng lợi lớn từ đà giảm của giá nguyên liệu.
Doanh nghiệp công bố doanh thu hợp nhất quý III đạt 1.238 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn chỉ tăng 26% nên lãi gộp tăng 68%. Biên lãi gộp tăng từ 28,2% lên 34,3%. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của NTP đạt 138 tỷ đồng, tăng 68% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp nhựa miền Bắc ghi nhận 342 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 14%
Nhựa Bình Minh ( HoSE: BMP ) chưa công bố BCTC quý III nhưng theo tiết lộ của ông Nguyễn Hoàng Ngân – Tổng giám đốc công ty thì doanh thu và lợi nhuận quý III vẫn rất khả quan nhờ vào việc cuối quý II và đầu quý III, giá nguyên liệu rơi đột ngột. Chi phí nguyên liệu chiếm đến 65% giá thành doanh nghiệp nên bất kỳ sự tăng, giảm giá nào cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận.
Cụ thể, công ty nhựa miền Nam ước doanh thu thuần quý III đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 5,7%; lãi sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 27,8%. Lũy kế 9 tháng doanh thu ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ và lợi nhuận sau thuế 412 tỷ, cùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 73% sản lượng, 74% doanh thu và 88% lợi nhuận.
Nhựa Việt Nam ( UPCoM: VNP ) ghi nhận doanh thu quý III tăng đến 57,5% đạt 52 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20% lên 10,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu doanh nghiệp tương đương cùng kỳ năm trước ở mức 99 tỷ đồng, lãi gấp gần 3 lần lên 26,4 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ lớn trong quý 3
Đầu tiên phải kể đến ông lớn ngành hàng không Vietnam Airlines, hiện doanh nghiệp này chưa công bố BCTC quý 3 tuy nhiên tại cuộc gặp mặt báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp đã tiết lộ doanh thu 9 tháng của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, mã CK: HVN) đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, hãng thực hiện 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hóa. Thị phần của Vietnam Airlines Group là 51,7% hành khách nội địa. Tuy nhiên, doanh thu quý 3 chỉ tăng 4,5% và chi phí tăng 5,9% so với quý II do việc các hãng hàng không dư thừa máy bay, liên tục tăng chuyến khiến giá vé giảm. Vì vậy, 3 hãng bay lỗ hợp nhất 4.187 tỷ đồng và lỗ riêng lẻ của Vietnam Airlines là 3.626 tỷ đồng, tăng lỗ so với 2 quý đầu năm. Lỗ hợp nhất trước thuế 9 tháng là 10.750 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch lỗ năm 2020. Riêng Vietnam Airlines lỗ 8.737 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch lỗ 2020.
Năm nay chắc chắn sẽ là một năm đáng quên với Đông Phương và khách sạn Sheraton Đà Nẵng, ảnh hưởng của đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, bao gồm dịch vụ khách sạn - nghỉ dưỡng. Trong quý 3/2020, Đông Phương tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng 87 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Khách sạn Sheraton đóng cửa từ 28/7 đến 8/9, khiến doanh thu giảm 103 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương chỉ còn 7,4%. Trong khi đó, chi phí cố định gần như không đổi, ngoài ra khấu hao và lãi vay cao khiến Đông Phương lỗ nặng. Lũy kế 9 tháng, công ty đem về doanh thu thuần 63 tỷ đồng, giảm 78%; lỗ ròng 233 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm tăng số lỗ lũy kế của Công ty Đông Phương lên 571 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu cũng âm 317 tỷ đồng.
Tiếp đó là khoản lỗ của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – FTM), với doanh thu còn vỏn vẹn chưa đầy 5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính trong quý gần 22 tỷ đồng, bên cạnh đó, trong quý 3 vừa qua Đức Quân Fortex còn ghi nhận khoản chi phí khác hơn 22 tỷ đồng – là chi phí dừng sản xuất. Kết quả, quý 3 Đức Quân Fortex lỗ 49,3 tỷ đồng, lỗ sâu hơn so với số lỗ 12,3 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 Đức Quân Fortex đạt 44,6 tỷ đồng doanh thu và ghi lỗ 150,5 tỷ đồng sau thuế.
Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) mặc dù có doanh thu quý 3 tăng 35% so với cùng kỳ nhưng chi phí lãi vay cao do các khoản vay nợ lớn khiến Nhiệt điện Cẩm Phả vẫn lỗ hơn 52,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ hơn 115 tỷ đồng – giảm được một nửa. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 3.098 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ và lỗ hơn 116,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơn 79,7 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm ngoái. Số lỗ này góp phần nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên 1.189 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 780 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 1.970 tỷ đồng.
Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) - chủ sở hữu thương hiệu taxi Vinasun cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 3. Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt 221 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu Vinasun đi xuống. Giá vốn bán hàng tiếp tục âm 243 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Đến cuối kỳ, VNS ghi nhận lỗ sau thuế 57 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ quý thứ 3 liên tiếp của hãng taxi này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của VNS đạt 743 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm 185 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 94 tỷ đồng.
Điện lực Khánh Hòa (KHP) tiếp tục gây thất vọng khi thua lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý 3/2020, cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Trong quý 3/2020, KHP ghi nhận doanh thu thuần gần 1,283 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực chi phí vẫn cao khiến KHP lỗ hơn 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng gần 87 tỷ đồng). Cộng với 2 quý bết bát đầu năm, doanh nghiệp thủy điện này đã lỗ lũy kế gần 271 tỷ đồng. KHP cho biết do tác động của dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn/giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng khiến doanh thu tiền điện 9 tháng đầu năm giảm hơn 539 tỷ đồng so cùng kỳ.Mới đây, quỹ America LLC đã bán bớt cổ phiếu KHP và không còn là cổ đông lớn.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ