Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tỷ phú để làm gì khi mà nhà máy thép Hòa Phát gây bức xúc cho dân, chủ tịch tỉnh phải xin lỗi!

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 14:04 16/06/2021

Theo người dân, họ không chịu nổi với tiếng ồn, bụi bặm khủng khiếp trong quá trình hoạt động sản xuất thép và cả việc thi công giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Dân thì khổ sở...

Chiều 7.6, hàng chục người dân quyết định mang lều bạt, dây đến trước cổng nhà máy để dựng lên căn lều nhỏ.

Theo người dân, họ cương quyết túc trực ở đây 24/24 nhằm ngăn không cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy. Bởi nhiều lần người dân đối thoại với chính quyền và công ty nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện khiến cuộc sống họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người dân khốn khổ bức xúc với nhà máy thép Hòa Phát

Bà Ngô Thị Rứa (72 tuổi, thôn Đông Lỗ) cho hay: "Nhiều năm nay, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cứ hứa giải quyết tái định cư cho hàng trăm hộ dân xã Bình Thuận nhưng dân chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai. Nếu cứ sống chung với bầu không khí ô nhiễm thế này, chắc chẳng có ai ở đây sống nổi. Tội nhất là những đứa trẻ nhỏ phải gánh chịu một bầu không khí ô nhiễm như thế này".

Bà Lê Thị Thúy, đại diện người dân thuật lại tình trạng khói bụi và mùi quanh nhà máy. Theo bà, 115 ha thuộc giai đoạn 2 của dự án luyện thép chưa có quyết định bồi thường, nhưng doanh nghiệp vẫn cho chở đất, nổ mìn, đào đá.

Một người dân khác nói, cây xung quanh nhà máy chết nhưng nhà chức trách xuống kiểm tra chỉ nói ô nhiễm "trong mức độ cho phép". Một phụ nữ thì phản ánh việc thi công của nhà máy thép gây ngập úng, yêu cầu bồi thường.

Về tình trạng ô nhiễm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, "dự án thép được giám sát đặc biệt về môi trường, chuyện ô nhiễm là có. Song, phát triển công nghiệp không thể không có ô nhiễm".

Đại diện nhà máy thép cho biết, 115 ha diện tích giai đoạn mở rộng của nhà máy có 342 hộ và cần 421 lô tái định cư. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Hòa Phát tạm ứng 100% bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân, trước khi có quyết định thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng của cơ quan nhà nước. Đến nay, 110 hộ đã nhận tiền đền bù, trong đó có 65 hộ đã bàn giao đất đi nơi khác.

Song, người dân cho biết Hòa Phát yêu cầu họ cam kết, sau khi nhận tiền tạm ứng thì không khiếu nại khi có phê duyệt bồi thường của nhà nước. Chính quyền tỉnh khẳng định, quyền khiếu nại, khiếu kiện là quyền hiến định nên yêu cầu doanh nghiệp kiểm tra phản ánh và điều chỉnh.

Chiều 12/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến người dân địa phương về sự việc.

Thay mặt chính quyền địa phương, ông Đặng Văn Minh ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, búc xúc của người dân liên quan đến hoạt động của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Tuy nhiên, ông Minh mong muốn người dân phản ánh, kiến nghị chính quyền giải quyết những quyền lợi chính đáng phải đúng hành lang quy định của pháp luật; không nên có những hành vi quá bức xúc dẫn đến vi phạm pháp luật.

Theo ông Minh, khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chậm triển khai, kéo dài trong thời gian qua là vì có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, tôi gửi lời xin lỗi người dân vì sự chậm trễ. Tỉnh Quảng Ngãi nhận trách nhiệm về việc chậm giải quyết những kiến nghị chính đáng của người dân, trong đó có việc chậm bố trí đất tái định cư".

Trước những bất cập liên quan đến dự án, gây ảnh hưởng cho người dân, ông Minh yêu cầu UBND huyện Bình Sơn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu tái định cư. "Việc xây dựng khu tái định cư Vạn Tường, chậm nhất đến tháng 10/2021 phải khởi công và hoàn thành sau 12 tháng thi công. Nếu đến thời điểm này mà khu tái định cư chưa xong thì tôi sẽ chịu trách nhiệm trước bà con nhân dân", ông Minh nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Minh chỉ đạo dừng thi công dự án nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2, trên khu vực 115 ha, vì dự án chưa hoàn thành việc di dời, bố trí tái định cư cho người dân.

"Sau buổi đối thoại này, Công ty tiếp tục bàn bạc, thảo luận các phương án tạm ứng tiền đền bù, xây nhà ở tạm cho dân, hay hỗ trợ tiền thuê nhà, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Khi nào 342 hộ dân trong khu vực 115 ha thống nhất, tháo dỡ nhà và vật kiến trúc mới được triển khai thi công", ông Minh nhấn mạnh.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, thông tin Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) tiếp tục gây ra khói bụi, bốc mùi khó chịu khiến người dân địa phương bức xúc là sự việc có thật và các đơn vị chức năng đang tiến hành xử lý theo quy định.

“Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) gây ô nhiễm môi trường xảy ra từ đầu năm 2021 khi xả khói bụi với mùi khó chịu khiến người dân sống quanh nhà máy bức xúc phản đối. Ngay sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương khắc phục sự cố, điều tra nguyên nhân và xử lý theo quy định”, ông Thịnh thông tin.

Theo ông Thịnh, qua điều tra, các cơ quan chức năng xác định, từ tháng 1/2021, trong quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 4 và có sử dụng củi để làm vật liệu đốt.

"Trong giai đoạn đó, nhà máy đã phát sinh ra khói bụi kèm mùi hắc khó chịu do lượng củi được đốt là loại bị ẩm ướt vì trời mưa nên đã phát sinh bụi và lưu huỳnh bốc ra gây khó chịu khi ngửi phải. Hiện tượng đó chỉ xảy ra một lần trong giai đoạn khởi động lò. Tổng cục Môi trường đã thành lập tổ giám sát, ít nhất 2 lần/năm. Hiện nay, qua theo dõi kết quả quan trắc khí thải tự động liên tục và lấy mẫu đều cho thấy quá trình hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường”.

Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường cho biết đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục yêu cầu Công ty Hòa Phát kiểm tra chất thải nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn.

"Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu công ty này kiểm tra chất thải để đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn nữa. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy để sớm ổn định cuộc sống và sản xuất”, ông Thịnh nói.

...Tỷ phú lãi hàng nghìn tỷ

Còn ông vua thép Hòa Phát thì lãi ngày một lớn. Trong khi những tỷ phú đô la khác luôn chú trọng môi trường trong phát triển kinh tế doanh nghiệp thì ông Long lại đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường ở Hòa Phát

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HOSE) cho biết trong quý 1/2021, Tập đoàn ước doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2020. Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua.

Đáng chú ý, trong tổng lợi nhuận trên có 6.500 tỷ là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 500 tỷ từ việc thoái vốn mảng Nội thất.

Trong quý đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với quý q/2020. Sản phẩm HRC trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý 4/2020. Nhờ tự chủ được nguyên liệu HRC, sản phẩm ống thép và tôn mạ của Hòa Phát cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản cũng có những tăng trưởng khả quan.

Ông Trần Đình Long sinh ngày 20/2/1961, tại tỉnh Hải Dương. Ông là một trong những tỷ phú có xuất thân từ vùng quê nghèo khó. Bằng sự thông minh, ham học hỏi và ý chí, khát vọng làm giàu đã giúp ông gặt hái thành công với sự nghiệp của mình.

Với niềm đam mê toán học từ nhỏ, năm 1986 ông Trần Đình Long tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc Dân. Có lẽ máu kinh doanh đã nhen nhóm trong ông từ lâu nên ông quyết chọn ngôi trường này làm nơi trau dồi kiến thức cho mình.

Con đường kinh doanh của chủ tịch Trần Đình Long rộng mở hơn khi bước sang năm 1996, khi công ty TNHH thiết bị Phụ tùng của ông phải mua ống thép về làm giàn giáo, ông Long đã nhạy bén thấy được lĩnh vực kinh doanh mới tiềm năng. Bởi ông nhận thấy việc nhập thép từ Đài Loan về chi phí đắt, số lượng hạn chế, mua hàng khó khăn. Điều này đã thôi thúc ông quyết định đầu tư sản xuất thép dựa trên công nghệ của Đài Loan. Công ty thép Hòa Phát chính thức được ra đời.

Trong suốt những năm từ 1996 đến năm 2005 ông Trần Đình Long liên tục giữ chức chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát ngày nay. Đến năm 2007, tập đoàn Hòa Phát trở thành công ty thép hàng đầu Việt Nam.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ty-phu-de-lam-gi-khi-ma-nha-may-thep-hoa-phat-gay-buc-xuc-cho-dan-chu-tich-tinh-phai-xin-loi-d101752.html

Bạn đang đọc bài viết Tỷ phú để làm gì khi mà nhà máy thép Hòa Phát gây bức xúc cho dân, chủ tịch tỉnh phải xin lỗi! tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội