Nguy cơ sạt xuống sông, rạch
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện và sở ngành liên quan về việc đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trên nhà tạm ven kênh rạch.
Đồng thời, có kế hoạch xử lý, giải phóng các loại hình nhà ở tạm bợ và bố trí tái định cư các khu vực nhà sàn ven hành lang sông, kênh, rạch để đảm bảo an toàn cho người dân và cảnh quan đô thị.
Theo Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM, hiện nay, hai bên hành lang bảo vệ bờ trên nhiều tuyến đường thủy nội địa có 3.533 căn nhà tạm trên nền đất kết cấu, vật liệu chủ yếu là cừ tràm, cừ dừa, cột bê tông.
Ảnh minh họa. |
Các khu nhà này đã tồn tại từ lâu, cột móng bị xuống cấp nên nguy cơ bị gãy móng và sập xuống sông rất cao, gây nguy hiểm tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão. Trong đó, nhiều nhất là quận 8 với 11 khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao với khoảng 3.025 hộ dân bị ảnh hưởng. Tiếp đó TP.Thủ Đức có 4 khu vực với khoảng 97 hộ dân.
Ngoài ra, 5 quận, huyện khác cũng có các điểm nguy cơ sạt lở cao đe dọa tính mạng người dân, gồm: quận 4 có 1 khu vực với khoảng 97 hộ dân; huyện Nhà Bè có 1 khu vực với khoảng 62 hộ dân; huyện Cần Giờ có 3 khu vực với khoảng 55 hộ dân; huyện Hóc Môn có 1 khu vực với khoảng 4 hộ dân và huyện Củ Chi có 1 khu vực với khoảng 5 hộ dân.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở trên, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép; tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn.
Bên cạnh đó, đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng địa bàn tăng cường kiểm tra và phối hợp UBND cấp huyện kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng lấn chiếm không phép, trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Khó di dời
Nhiều năm qua,di dời nhà trên và ven kênh rạch là chương trình lớn, quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề, từ quy định pháp luật đến chính sách đầu tư.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8, Bình Thạnh, quận 7, quận 4. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch bằng việc thực hiện 65 dự án; trong đó, có 59 dự án sử dụng ngân sách. Về sau, thành phố đã điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025.
Tuy nhiên, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch đang gặp khó khăn do số lượng di dời lớn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch là việc làm khó, không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, thậm chí giai đoạn 5 năm là quãng thời gian ngắn ngủi. Vì thế, việc “gối đầu” chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020 cho giai đoạn tiếp theo là điều đương nhiên.
Thành phố hiện có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch; trong đó, hầu hết các tuyến kênh, rạch nhỏ không thực hiện được việc mở rộng biên độ chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại nên không hấp dẫn nhà đầu tư và phải sử dụng ngân sách trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp.
Trình tự thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách phức tạp, kéo dài nhiều giai đoạn, dẫn tới 42/59 dự án sử dụng ngân sách dừng lại ở các bước chuẩn bị đầu tư, chỉ có 17/59 dự án được phê duyệt dự án bồi thường để thực hiện tiếp theo nhằm chi trả bồi thường.
Đó là, chưa kể sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các sở ngành, UBND quận huyện trong việc xác định ranh thực địa thực hiện dự án, vấn đề trượt giá, điều chỉnh ranh giới, tổng mức đầu tư, không kịp ghi kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, áp giá bồi thường…
“Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn chậm vì khó khăn trong công tác bồi thường. Phần lớn các căn nhà có diện tích mặt đất rất nhỏ, phần còn lại cơi nới, lấn chiếm trên mặt nước. Ngoài ra, theo quy định pháp luật, dựa vào kiến trúc công trình nhà để bồi thường theo đơn giá nhưng những căn nhà này làm bằng vách tôn, gỗ một cách tạm bợ nên tiền đền bù không cao. Thứ hai là việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Đặc biệt hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn còn trục trặc", ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường