Theo Chất lượng Việt Nam, các dòng sản phẩm máy lọc nước SUNHOUSE đang được quảng cáo với những thông tin rất hấp dẫn như “màng lọc R.O DOW Filmtech - USA loại bỏ 99,9% vi khuẩn gây hại, khả năng hấp thụ… thuốc trừ sâu, chất diệt côn trùng"…
Đáng chú ý, trên website của Công ty, máy lọc nước SUNHOUSE còn được giới thiệu lọc ra nước “đạt quy chuẩn nước uống đóng chai – QCVN 6:1 2010/BYT”, đơn vị còn khẳng định đạt được quy chuẩn này do Bộ Y tế cấp.
Tuy nhiên, thực tế Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai để các tổ chức cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tuân thủ nhằm quản lý an toàn thực phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm này được sử dụng với mục đích giải khát. Bộ Y tế không thực hiện chức năng chứng nhận hợp quy như SUNHOUSE giới thiệu.
Được biết, máy lọc nước SUNHOUSE là sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE do ông Nguyễn Xuân Phú làm Chủ tịch HĐQT.
Nhằm làm rõ thông tin, phóng viên đã có buổi làm việc với đại diện của SUNHOUSE. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Phương, bộ phân Pháp chế - Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE đã nhận đây là sai sót của Công ty do “lỗi đánh máy” của người làm công tác marketing.
Trao đổi với PV về thông tin nước sau lọc qua máy lọc nước SUNHOUSE đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai QCVN 6-1:2010/BYT được dán trên sản phẩm và trong nhiều quảng cáo của SUNHOUSE, ông Phương cung cấp cho PV 1 tờ kết quả thử nghiệm mẫu nước, trên kết quả thử nghiệm ghi rõ mẫu nước được mang đến thử nghiệm đựng trong “chai nhựa kín”.
Tuy nhiên, để chứng minh nước đựng trong chai nhựa đó là nước lấy ở đâu thì cũng khó ai biết được?! Đồng thời, trên tờ kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) cũng ghi chú rất rõ kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị đối với mẫu thử, đồng nghĩa với việc không thể dựa vào kết quả thử nghiệm của một mẫu nước trong chai nhựa để nói nước lọc qua máy lọc nước SUHOUSE đạt QCVN 6-1:2010/BYT.
Ngoài ra, theo ông Phương không tổ chức chứng nhận nào chứng nhận chất lượng cho máy lọc nước SUNHOUSE và nước lọc qua máy lọc nước SUNHOUSE. Hiện, máy lọc nước SUNHOUSE được sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở của Công ty, chứ không phải theo Tiêu chuẩn quốc gia máy lọc nước trong gia đình TCVN 11978:2017 - tiêu chuẩn cao nhất về máy lọc nước trong gia đình tại Việt Nam (việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện doanh nghiệp lựa chọn áp dụng).
Máy lọc nước SUNHOUSE quảng cáo 'vống', đại diện Công ty nói do... 'lỗi đánh máy' |
Sunhouse được coi là một trong những đơn vị sản xuất đồ gia dụng nổi tiếng và lớn nhất Việt Nam. Công ty này cũng đã nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia 2018. Tuy vậy, rất nhiều sản phẩm của Sunhouse lại có xuất xứ đến từ Trung Quốc.
Trên website chính thức, Sunhouse giới thiệu mình là cánh chim đầu đàn của ngành gia dụng Việt Nam và đang vươn tầm Quốc tế, khẳng định tên tuổi tại nhiều thị trường khó tính. Tuy vậy, qua khảo sát của phóng viên rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng khác nhau từ nồi cơm điện, bàn là, bếp từ, ấm siêu tốc... có xuất xứ từ Trung Quốc.
Các sản phẩm của Tập đoàn Sunhouse tại các siêu thị lớn Hà Nội như BigC Thăng Long, Mediamart, Pico… các sản phẩm bày bán tại đây của Tập đoàn Sunhouse có điểm chung là phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam có đang bị các “ông lớn” này lừa dối, đánh tráo khái niệm sản phẩm suốt nhiều năm qua?
Nhà máy của Sunhouse ở Quốc Oai. |
Còn nhớ năm 2017, sau những phản ánh của báo chí về việc nhà máy sản xuất của tập đoàn Sunhouse xả thải gây ô nhiễm môi trường cho người dân tại xã Ngọc Liệp, Sở Tài nguyên & Môi trường TP.Hà Nội đã vào cuộc thanh, kiểm tra. Sau đó, căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính; Tờ trình của Giám đốc Sở TN&MT TP đề nghị xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với tập đoàn Sunhouse; Các báo cáo về kiểm tra việc chấp hành luật Bảo vệ môi trường, về việc xử phạt hành chính đối với tập đoàn này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn khi đó đã kí quyết định xử phạt hành chính tập đoàn Sunhouse về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, hành vi vi phạm của tập đoàn này là không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định. Hành vi vi phạm nêu trên quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với hành vi này là 300 triệu đồng.
Ngoài ra TP.Hà Nội còn buộc tập đoàn Sunhouse phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và báo cáo kết quả với UBND TP.Hà Nội. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do tập đoàn Sunhouse chi trả.
Tuy đã bị xử phạt 300 triệu đồng nhưng Nhà máy Sunhouse vẫn "chứng nào tật nấy" xả thải ra môi trường làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân xã Ngọc Liệp - Quốc Oai - Hà Nội.
Hoàng Lê (TH)/ Sở hữu trí tuệ