Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Tinh vi thủ đoạn ‘phù phép’ phân bón giả, kém chất lượng

VIETQ 10:46 21/04/2022

Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết vừa phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc tại một công ty sản xuất phân bón trên địa

Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 19/4, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang) và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trang Điền (gọi tắt là Công ty Trang Điền), trên đường Nguyễn Văn Cừ, khóm 1, thị trấn Tri Tôn, do ông Nguyễn Phương Trí (sinh năm 1977, trú tại địa chỉ trên) làm Giám đốc.

Qua kiểm tra thực tế tại Công ty Trang Điền, lực lượng chức năng phát hiện có 80 bao nguyên liệu than bùn (40 kg/bao) không nhãn hiệu, 22 bao nguyên liệu bột sắt (25 kg/bao), 9 bao nguyên liệu aminoacid (20 kg/bao), 158 bao phân thành phẩm nhãn mác nước ngoài (50 kg/bao), 480 chai phân bón thành phẩm vi lượng Bò vàng 9999 và 2.300 bao bì nhãn mác nước ngoài.

Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện Công ty Trang Điền chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số bao bì nhãn mác nước ngoài; chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào và không xuất trình được chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hợp quy.

Được biết, trước đó vào ngày 14/10/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trang Điền số tiền 152 triệu đồng đối với các hành vi "Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó và sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng”.

Hiện, Tổ công tác liên ngành đã giao Đội Quản lý thị trường số 2 thụ lý vụ việc, ra quyết định lập biên bản tạm giữ số tang vật trên để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa tại Công ty TNHH TMDVSX Trang Điền. Ảnh: TTXVN

Liên quan tới vấn đề trên, theo các nhà khoa học, phân bón được hiểu là “các thành phần dinh dưỡng được con người cung cấp cho cây trồng thông qua rễ hoặc lá giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, nâng cao năng suất. Là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng”.

Xét về cấu tạo, nguồn gốc hình thành thì phân bón là những chất hoặc hợp chất từ các chất hữu cơ (phân hữu cơ) hoặc chất vô cơ (phân vô cơ) có chứa một hay nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu được đưa vào trong sản xuất nông nghiệp với mục đính chính là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng nhằm giúp chúng sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao đồng thời làm tăng chất lượng cải tạo đất đai. Phân bón sử dụng trong trồng trọt bao gồm các loại như phân hữu cơ, phân vô cơ và phân vi sinh.

Như vậy, tác dụng của phân bón nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng, giúp thúc đẩy các quá trình sinh trưởng của cây trồng. Ngoài việc cung cấp dưỡng chất cần thiết, phân bón còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp, giúp cho quá trình phân hủy, chuyển hóa các chất... tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, phân giải các chất khó hấp thu thành các chất dễ hấp thu, tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe mạnh…

Qua đó cho thấy, cây trồng sẽ không phát triển hay phát triển kém nếu không được bổ sung phân bón đúng chất lượng, cùng với đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng. Nguy hại hơn, sử dụng phân bón giả sẽ làm thoái hóa đất đai. Theo thống kê của các nhà khoa học cho thấy: “Tại Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 27,3 triệu ha, tương đương 80,4% tổng diện tích Việt Nam, đóng góp 24% GDP, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia…”. Như vậy, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp của người dân rất lớn.

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh qua các phương tiện thông tin được biết, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh tràn lan mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Hàng năm có hàng triệu người nông dân phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để mua phân bón mà chính họ không thể xác định đó là phân bón giả hay thật.

Thủ đoạn làm giả phân bón của một số đối tượng rất công khai thông qua việc các cơ sở sản xuất dùng 2 loại bột là Dolomite, thực chất là một dạng bột đá chỉ có giá từ 400 đến 500 ngàn đồng/tấn trộn với bột Caolanh (thực chất là đất sét) sau đó se lại thành viên và sấy khô rồi đóng bao ghi rõ là phân bón rồi bán ra thị trường. Trong khi đó giá phân bón bán ra trên thị trường hiện nay từ 17.500 đến 18.000 đồng/kg. Do lợi nhuận từ phân bón giả mang lại là rất lớn, nên một số đối tượng tìm mọi cách để sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác. Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ.

Hậu quả do nạn phân bón giả gây ra là rất lớn, làm cho hàng triệu người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây trồng bị thiệt hại, năng suất thấp không có tiền thanh toán mua vật tư nông nghiệp, cuối cùng phải bán đất trả nợ. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập; các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả còn nhiều kẽ hở, nên khi có vụ việc xảy ra, quá trình xử lý rất phức tạp; công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết.

Link gốc : https://vietq.vn/tinh-vi-thu-doan-phu-phep-phan-bon-gia-kem-chat-luong-d199418.html

Bạn đang đọc bài viết Tinh vi thủ đoạn ‘phù phép’ phân bón giả, kém chất lượng tại chuyên mục Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xã hội