Ngày nay, chuyện làm móng tay móng chân dường như đã quá quen thuộc, thế nhưng để tránh gặp phải những rắc rối về sức khỏe cho bản thân thì trước khi làm nail cần lưu ý những vấn đề dưới đây:
Dùng riêng dụng cụ làm nail
Dù không bao giờ mong muốn nhưng nhiều khi việc làm móng tại những tiệm nail chất lượng thấp có thể khiến bị nhiễm trùng. Do dùng chung bộ dụng cụ cắt, tỉa móng nên đây được cho là vật trung gian truyền nhiễm virus viêm gan B, C hay đơn giản là một loại nấm móng tay móng chân. Để tránh bị nhiễm bệnh, các chuyên gia khuyến cáo nên sắm một bộ dụng cụ cắt tỉa móng cho riêng mình và đừng ngại khi mang theo bộ dụng cụ này mỗi khi làm nail. Nhớ vệ sinh chúng thật cẩn thận trước và sau khi dùng.
Làm nail ở tiệm cần đặc biệt lưu ý để tránh hậu họa về sau. Ảnh minh họa
Dùng nhiều dầu dưỡng
Nhiều người nghĩ rằng dầu dưỡng sẽ giúp làm mềm và bảo vệ lớp da mỏng xung quanh móng tay. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại dầu này quá nhiều thì nó có thể phản tác dụng. Lúc này da ngày càng trở nên khô và bong tróc.
Thợ làm nail không dùng bao tay
Các thợ làm móng dành hầu hết thời gian để tiếp xúc với da tay, chân của nhiều người. Vì vậy, họ cần phải đeo găng tay nhằm ngăn ngừa việc lây nhiễm chéo các bệnh gây hại cho sức khỏe của mỗi người.
Bên cạnh đó, trong các tiệm nail có rất nhiều hóa chất độc hại. Để đảm bảo tiêu chuẩn về độ an toàn, các cửa tiệm phải được trang bị hệ thống hút khí. Đặc biệt, kỹ thuật viên nên đeo khẩu trang khi làm việc để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Các dụng cụ và vật liệu kém chất lượng
Trong trường hợp không có dụng cụ làm nail của riêng mình thì cần phải chú ý tới các dụng cụ làm nail của tiệm. Một trong những tiêu chí đánh giá một tiệm nail tốt là chất lượng của thiết bị, dụng cụ hành nghề. Vì vậy hãy hết sức lưu ý về vấn đề này. Ví dụ, cây dũa móng tay rẻ tiền cũng có thể phá hủy móng tay. Ngay cả với lần đầu tiên sử dụng, keo dán trên thân dũa có thể bong ra khiến móng tay bị xước hoặc nứt.
Nhúng tay vào bột
Nếu móng tay có thiết kế đắp bột thì phải đảm bảo kỹ thuật viên không nhúng trực tiếp móng tay vào bột. Người tiêu dùng phải nghĩ tới trường hợp có những khách hàng làm móng trước đó và họ cũng nhúng móng tay trực tiếp vào bột tương tự. Khi tình trạng này xảy ra có thể bị nhiễm một số mầm bệnh có hại, thậm chí là bị nhiễm trùng.
Cắt lớp da xung quanh móng
Các bác sĩ da liễu khuyên không nên cắt lớp biểu bì xung quanh móng tay, móng chân. Vì điều này có thể dẫn đến vùng da đó bị kích ứng, trầy xước. Do vậy, thay vì loại bỏ lớp biểu bì thì kỹ thuật viên nên dùng dụng cụ chuyên dụng để làm mềm chúng. Trừ một trường hợp duy nhất mà họ có thể cắt lớp da đó đi, đó chính là khi gặp phải tình trạng xước măng rô.
Không để kỹ thuật viên dũa móng tay khi còn ướt
Theo chuyên viên làm nail lâu năm, cắt móng tay ướt tốt hơn khi móng khô, ngoài ra khi móng ướt lấy đi phần bụi bẩn còn bám trên móng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc dũa móng lại khác. Khi móng tay gặp nước, chúng sẽ trở nên mềm yếu hơn cả, dũa móng lúc này sẽ vô tình làm móng bị tổn thương, không định hình được móng. Vì thế, tốt hơn là bạn nên dũa móng khi móng còn khô – chúng sẽ cứng cáp hơn.
Không nên thay màu sơn móng quá thường xuyên
Sơn móng tay nhất là những loại không rõ nguồn gốc thường có chứa nhiều loại hóa chất, nếu sơn quá thường xuyên cộng với việc chọn loại sơn kém chất lượng móng tay nhanh chóng trở nên vàng ố, thâm đen.
Ngoài ra, những thành phần hóa chất trong sơn móng tay có thể khiến bạn bị dị ứng, hen suyễn. Để đảm bảo bạn được an toàn, các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên thay đổi màu sơn móng tay sau 3 – 4 tuần và nghỉ ngơi sau mỗi 6 – 8 tháng. Lý tưởng nhất, thời gian nghỉ nên là 105 ngày, đây là thời gian để móng tay mới phát triển.