Hội thảo “Chiến lược trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Tạo giá trị chung của doanh nghiệp và mục tiêu phát triển bền vững” thuộc Dự án Win-Win for Viet Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 19/8/2022.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) cho biết, hiện nay, trên thế giới có 3 khái niệm phổ biến: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), Tạo giá trị chung (CSV), Quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG).
“Phát triển bền vững” là từ khóa ngày càng được nhắc tới nhiều hơn trong những cuộc thảo luận tại các chương trình nghị sự quốc tế, Chính phủ và phương hướng phát triển của doanh nghiệp. Dự báo trong 10 năm tới, phát triển bền vững là xu hướng bao trùm trên toàn thế giới, gắn với Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.
Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu thành kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình 2030 quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn về biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa an sinh xã hội và sức khỏe con người cũng như sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Vì vậy, ngoài vai trò tạo môi trường cho các mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước, sự chung tay của doanh nghiệp là rất quan trọng không những cho cộng đồng, xã hội mà còn cho chính doanh nghiệp khi xây dựng nền tảng kinh doanh phát triển bền vững. Người tiêu dùng ngày nay quan tâm và chú ý đến hành động của doanh nghiệp về phát triển bền vững. Nhiều sản phẩm, thương hiệu bị tẩy chay vì không quan tâm đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội- ông Trần Nhật Minh chia sẻ.
Theo bà Pia Buller- cán bộ chương trình thuộc Phái đoàn EU đến Việt Nam chia sẻ: Tại các nước phát triển, Tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, Governance) được áp dụng gần như bắt buộc và là thước đo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. EU đang đề xuất luật mới thẩm định về sự bền vững của doanh nghiệp với việc mở rộng nhu cầu kiểm tra xã hội, môi trường tốt hơn và quản lý rủi ro dọc theo chuỗi giá trị cho nhiều công ty châu Âu hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các công ty ở các nước đối tác như Việt Nam, thông qua các chi nhánh, nhà thầu phụ mà còn cả quan hệ người mua- nhà cung cấp.
Là thành viên của Ủy ban Liên hợp quốc, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các chính sách phát triển bền vững, đồng thời xây dựng hiệu quả nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cũng như có được cơ hội trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, các mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu thời đại và doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu tham dự cho rằng, Hội thảo đã mang lại góc nhìn đa chiều và cơ hội học hỏi kiến thức cho doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh trong nước quốc tế; giúp các doanh nghiệp có cách tiếp cận tốt hơn và góc nhìn đa chiều về tình hình, khuynh hướng kinh doanh đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời, cung cấp cơ hội, giải pháp mới, góc nhìn mới, cách thức tiếp cận mới trong công tác xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, marketing, PR và CSR / CSV gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu và tại Việt Nam. Đặc biệt, chương trình tư vấn của các chuyên gia tại hội thảo về chủ đề “Xây dựng chiến lược và thực hành CSR/CSV đáp ứng SDGs” sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham dự đều rút được kinh nghiệm riêng trong quá trình triển khai các hoạt động phát triển bền vững.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Win-Win for Vietnam. Mục tiêu tổng quát của dự án là thúc đẩy hoạt động CSR và CSV của khu vực tư nhân, đặc biệt là tăng cường hợp tác với CSOs nhằm hiện thực hoá SDGs thông qua CSVhub - cơ chế hiệu quả để thúc đẩy kết nối giữa khối doanh nghiệp và CSOs tại Việt Nam. Dự án do Liên minh châu Âu đồng tài trợ và được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) (Việt Nam) - đơn vị chủ trì, phối hợp với ProNGO! e.V. (Đức). |