Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Công bố kết quả khai quật di chỉ Óc Eo

Theo Sở Hữu Trí Tuệ 07:00 26/03/2022

Ngày 25/3, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại di chỉ Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) đã chính thức được công bố.

Dự án do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện từ năm 2017-2021, với sự tham gia của 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Nhiệm vụ chính của Đề án là khai quật, nghiên cứu khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại các di tích ở Óc Eo-Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và di tích Nền Chùa (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nhằm thu thập tư liệu và làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

tm-img-alt
Khu di tích Nền Chùa, Kiên Giang. (Ảnh: Viện nghiên cứu Kinh thành)

Đề án cũng nhằm mục tiêu nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và châu Á; từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt là cho công tác xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa là di sản văn hóa thế giới.

Kết quả khai quật do PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện Nghiên cứu Kinh thành) thông báo cho biết, đề án đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo vốn là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ. Bên cạnh đó, kết quả khai quật tại núi Ba Thê cũng đã phát hiện một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng có quy mô lớn đưa lại một bức tranh khá sinh động về trung tâm tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam và đời sống sinh hoạt văn hóa rất đặc sắc của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử.

tm-img-alt
PGS.TS Bùi Minh Trí báo cáo kết quả khai quật tại Óc Eo-Ba Thê.

Những kết quả khai quật cho thấy Óc Eo-Ba Thê không chỉ là một đô thị cổ, mà còn là cảng thị, là trung tâm tôn giáo lớn với sự tồn tại song song của cả Phật giáo và Hindu giáo. Nhiều hiện vật khai quật được ở đây cho thấy, thương cảng Óc Eo có sự giao thương vô cùng phong phú, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, mà còn sang cả Tây Á, Ấn Độ…, thậm chí có sự giao lưu hàng hóa với La Mã. Nhiều hiện vật cho thấy dấu tích của việc sản xuất tại chỗ theo mẫu hàng hóa nước ngoài, như một số bình cổ mang kiểu dáng Ấn Độ, hay đèn trang trí theo kiểu La Mã.

Nhận xét về kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang) năm 2017-2020, các nhà khoa học cho rằng, đã có nhiều phát hiện mới rất quan trọng, cung cấp thêm nhiều cơ sở khoa học tin cậy trong việc minh chứng và làm sáng rõ hơn lịch sử của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Từ những phát hiện và nghiên cứu mới này, Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa được xem như là một phức hợp đô thị cổ và có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành vương quốc Phù Nam, một quốc gia hình thành trên nền tảng truyền thống bản địa có mối quan hệ giao thương khá rộng trên con đường hải thương quốc tế.

Cũng tại buổi công bố kết quả khai quật khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu cuốn sách “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”. Sách gồm 4 chương chính: “Khu di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ”; “Những phát hiện khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê”; “Những phát hiện khảo cổ học tại Di tích Nền Chùa”; “Đánh giá tổng quan kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa năm 2017-2020”.

Bạn đang đọc bài viết Công bố kết quả khai quật di chỉ Óc Eo tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h