1 triệu viên Avigan có thể về trong tháng 8
Mới đây, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) về việc cung cấp thuốc Avigan do hãng này sản xuất cho Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có Tiến sĩ Yamada Koichi, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban chiến lược thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm, Tập đoàn Dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical. Ngoài ra còn có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, đại diện các vụ, cục có liên quan của Bộ Y tế. Về phía doanh nghiệp có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC Group), đơn vị đứng ra đàm phán mua và tài trợ toàn bộ chi phí để đưa 1 triệu viên Avigan về sử dụng miễn phí nhằm hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam ngay trong tháng 8/2021.
Tại cuộc họp, Chủ tịch AIC Group cho biết sẵn sàng mua toàn bộ số thuốc Avigan để góp phần hỗ trợ điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19 trong nước hiện nay. Ngoài ra, hai bên sẽ cùng thống nhất kế hoạch để tiếp tục đưa số lượng lớn thuốc tiếp theo về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Fujifilm khẳng định sẽ lên kế hoạch để sớm vận chuyển 1.000.000 viên Avigan đầu tiên này tới Việt Nam. Ngoài ra hãng cũng sẽ cân nhắc việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Avigan cho Việt Nam trong thời gian tới theo đề nghị của AIC Group và Bộ Y tế.
Việc mua được ngay 1.000.000 viên thuốc Avigan vào thời điểm này là điều hết sức đáng mừng, nhất là khi số lượng các ca mắc Covid-19 đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Trước cuộc họp trực tuyến, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã vận dụng tất cả các mối quan hệ trong chính phủ Nhật Bản để tiếp cận nguồn thuốc quý giá này. Bộ Y tế cũng đã liên tục hỗ trợ và phối hợp để giúp AIC Group nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Fujifilm trong việc chuyển ngay toàn bộ số thuốc Avigan đang có sẵn trong kho sang Việt Nam, dù hãng cho biết đang có nhiều đơn hàng quan trọng vẫn phải chờ.
Chân dung nữ chủ tịch của AIC
AIC Group tên đầy đủ là CTCP Tiến Bộ Quốc tế được thành lập năm 2005. Trong quá trình hình thành và phát triển của AIC Group in đậm dấu ấn của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ sáng lập và chi phối tập đoàn này. “Hệ sinh thái” của AIC Group tới nay đã mở rộng với hơn chục thành viên. Là doanh nghiệp lõi trong “hệ sinh thái”, AIC Group các năm gần nhất liên tục ghi nhận mức doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng, cùng kết quả kinh doanh khiến nhiều doanh nhân phải trầm trồ.
AIC đã gây ấn tượng từ những năm 2000 khi là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu lao động. AIC là công ty tiên phong đưa hàng vạn người nghèo, trong đó có sinh viên các trường đại học đi làm việc ở nước ngoài bằng các chính sách cho vay ưu đãi đặc biệt. Điều khiến AIC nổi bật là nhờ chính sách “hai chiều” đặc biệt của nữ chủ tịch Nhàn: Đưa lao động đi và 3-5 năm sau về nước lại nhận chính lao động mình đưa đi (đã được mài dũa để thành lao động có tay nghề, chuyên gia) cung ứng cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Học tập mô hình những công ty quốc tế đa ngành, từ năm 2008 tới nay, Công ty AIC của bà Thanh Nhàn đã tiên phong đầu tư lớn, bài bản trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, giáo dục và đào tạo. Trong hơn 10 năm qua “đứa con tinh thần” của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có thành tích xuất sắc trong việc khảo sát đánh giá thực tế và tổ chức ứng dụng công nghệ vào đời sống đất nước Việt Nam.
Cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước, bà đã đưa ra các sáng kiến cải tiến công nghệ tiên tiến để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như: Ứng dụng các công nghệ mới để xử lý nước thải, trong đó có các bệnh viện, đô thị và làng nghề; Ứng dụng công nghệ mới để làm sạch đất nông nghiệp bị ô nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu và hóa chất dioxin; Ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các thành tựu công nghệ tin học; Tham gia phát triển công nghệ sóng cộng hưởng để nâng cao chất lượng nhiên liệu.
AIC còn đồng thời ứng dụng công nghệ tế bào gốc và nhận dạng gen để góp phần tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh và trong các thảm họa, thiên tai. Ứng dụng nguồn năng lượng mới trên cơ sở các từ trường. Ứng dụng công nghệ cao vào Việt Nam để xử lý vấn đề chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là công nghệ trồng rừng ngập mặn. Đưa nhiều ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao của Nhật Bản, Israel, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan vào ngành Nông nghiệp Việt Nam để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản…
AIC Group là một trong các doanh nghiệp tiên phong đóng góp cho nỗ lực phòng chống Covid-19. Trước đó, Tập đoàn này đã từng phát triển và tặng app Covid-19 để Bộ Y tế quản lý, vận hành nhằm cung cấp thông tin kịp thời và tư vấn trực tuyến về phòng chống dịch cho người dân.
AIC Group cũng đã tặng miễn phí các bộ kit xét nghiệm cho nhiều địa phương trên cả nước, tìm kiếm và kết nối miễn phí để đưa vaccine, thuốc và các sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 về Việt Nam.
Mới đây nhất, thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết AIC Group đang phối hợp với Tập đoàn Shionogi (Nhật Bản) và Công ty Vabiotech để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam.