Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều cá nhân đang rao bán thuốc hạ sốt quảng cáo có khả năng điều trị Covid -19, chủ yếu có nguồn gốc nhập ngoại.
Cụ thể, địa chỉ Facebook tên H.N đăng tải trên một diễn đàn: “Nhà em về thêm được Tynenol. Hàng về đúng lúc dịch đang căng bên vận chuyển thu phí thuốc cao hơn bình thường nhưng em vẫn chỉ bán giá 6xxk. Mọi người inbox (tin nhắn) ngay cho em nhé”. Theo giới thiệu của người bán, đây là thuốc nhập Mỹ có công dụng giúp giảm đau, hạ sốt, không gây nghiện, không gây kích ứng dạ dày nên mang lại hiệu quả cao và được nhiều người tin dùng.
Tuy nhiên, khi PV khi hỏi về các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của loại thuốc trên thì người bán hàng lại “im hơi lặng tiếng”.
-- |
Một người khác tên N.T thì “khoe” trên facebook cá nhân: “Người ta khoe dự trữ đồ ăn còn em khoe tủ thuốc gia đình”. Theo đó, người này “khoe” đã chuẩn bị rất nhiều loại như thuốc đủ thể loại đề phòng trường hợp dịch diễn biến phức tạp “sốt là có thuốc dùng ngay”.
Một trường hợp khác lại khuyên người dùng nên mua sản phẩm thuốc Medoral có tác dụng làm dịu và loại bỏ các triệu chứng viêm họng, hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm khuẩn vùng họng và miệng, ngăn ngừa hạn chế sự xâm nhập của virus…
Dạo quanh chợ mạng, phóng viên nhận thấy rất nhiều cá nhân khác cũng đăng bán các sản phẩm được giới thiệu là thuốc có khả năng hạ sốt, giảm khó thở, đau đầu, kháng khuẩn... rất phù hợp dùng để điều trị phòng chống Covid-19. Thường những bài đăng nêu trên có lượt tương tác, chia sẻ rất nhiều, qua đó có thể thấy, tâm lý người tiêu dùng muốn tìm được loại thuốc có khả năng phòng và điều trị được Covid - 19.
Đặc biệt, loại thuốc Tynenol có thành phần Paracetamol vẫn đang được săn lùng nhiều trên mạng xã hội, từng gây “sốt” không có hàng để bán khi làn sóng Covid - 19 thứ 4 bùng phát mạnh mẽ tại các tỉnh phía Nam.
Do đó, có “thuốc hạ sốt để phòng và chữa Covid – 19 được không?”, là câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP.HCM) cho biết, mua sẵn một ít để trong nhà thì được, nhưng thuốc hạ sốt không giúp phòng Covid-19. Theo bác sĩ Khanh, không bệnh mà uống thuốc hạ sốt không những không có tác dụng gì mà còn hại gan. Thuốc hạ sốt chỉ giúp trị triệu chứng sốt mà thôi. Người bệnh Covid-19 nếu bị sốt, nhức đầu thì mới dùng (paracetamol, ibuprofen).
Cũng theo giải thích của bác sĩ Khanh, để đề phòng tình huống trở thành F0, ngoài trang bị Paracetamol, ibuprofen cho tủ thuốc gia đình, còn có thể chuẩn bị thêm thuốc ho thảo dược, siro ho trẻ em hay nguyên liệu để tự chưng thuốc ho an toàn; thuốc đau bụng - tiêu chảy (trà gừng, spasmaverin, smecta, hidrasec...). Thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống đông chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Trên thực tế, các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, nhất là thuốc nhập ngoại như Tylenol đang được nhiều người tìm mua có giá tăng gấp nhiều lần. Trong đó, phần lớn thuốc được mua với mục đích tích trữ, sử dụng để tự chữa các biểu hiện của bệnh Covid-19 theo hướng dẫn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo cảnh báo, ngộ độc paracetamol là loại ngộ độc thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót. Người sử dụng có thể bị ngộ độc do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà. Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Hiện nay, để đảm bảo phòng và điều trị Covid - 19 tại nhà, Bộ Y tế đã có phương án và đang triển khai chương trình “Túi thuốc an sinh” được cấp phát miễn phí trong trường hợp là bệnh nhân Covid - 19 thuộc trường hợp tự điều trị tại nhà, gồm đầy đủ thành phần và hướng dẫn sử dụng theo liệu trình. Do đó, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng, không tự ý mua thuốc điều trị theo hướng dẫn và quảng cáo trên mạng xã hội.