Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Được đánh giá là “vùng đất vàng” phát triển du lịch, hậu Covid-19, Vĩnh Phúc đang là điểm đến hấp dẫn bậc nhất của miền Bắc. Tuy nhiên, để phục hồi một cách mạnh mẽ, cần sự chung sức, liên kết tích cực từ chính quyền, doanh nghiệp trong tỉnh và các địa phương.

Vĩnh Phúc là tỉnh ôm trọn ba miền sinh thái phong phú miền núi, trung du và đồng bằng; cảnh quan hấp dẫn với Dãy Tam Đảo, các hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, đầm Vạc, Vườn Quốc gia Tam Đảo; cùng nhiều di tích, lịch sử đặc sắc như danh thắng Tây Thiên. Với lợi thế đó, thời gian qua, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, không ngừng thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch.

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Vĩnh Phúc được đầu tư nâng cấp như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên. Trên địa bàn có hơn 400 cơ sở lưu trú, gần 7.500 buồng đạt tiêu chuẩn, trong đó có nhiều khách sạn 4,5 sao, nhiều khu nghỉ dưỡng hiện đại. Mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch không ngừng đổi mới, hoàn thiện. Sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo của du lịch Vĩnh Phúc đã khiến không ít du khách phải ngỡ ngàng.

Góp phần mang lại sự lột xác ấn tượng đó, phải kể tới công tác quản lý, chính sách thu hút đầu tư của chính quyền. Đặc biệt, chính quyền Vĩnh Phúc đã rất chủ động dành quỹ đất cho các dự án, chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương khách nhằm tạo dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

So với các tỉnh trong vùng, gần đây, du lịch Vĩnh Phúc có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Năm 2018, Vĩnh Phúc đón 5,2 triệu lượt khác, năm 2019 đón 6,1 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018. Ông Vũ Chí Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, du lịch đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc.

Bước sang năm 2020, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, do ảnh hưởng Covid-19, du lịch Vĩnh Phúc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, bài toán phục hồi thị trường du lịch, nhất là nội địa đang là nhiệm vụ trọng tâm của Vĩnh Phúc. Một trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho du lịch Vĩnh Phúc được đưa ra đó là đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, điểm đến, dịch vụ nhằm tạo ra những gói sản phẩm du lịch hấp dẫn hiệu quả.

Trên cơ sở định hướng này, mới đây, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức tọa đàm “Giải pháp kích cầu, phát triển du lịch Vĩnh Phúc năm 2020” với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh và các đơn vị lữ hành trên cả nước. Nhiều giải pháp đã được chia sẻ, trong đó đề nghị Vĩnh Phúc có kế hoạch xúc tiến du lịch tại miền Trung, miền Nam; khai thác thị trường tiềm năng, xây dựng các sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf... gắn với triển khai và giám sát thực hiện các chương trình kích cầu.

Tam Đảo - điểm đến được nhiều du khách lựa chọn hậu dịch Covid-19.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến theo sản phẩm du lịch; xây dựng nội dung xúc tiến du lịch đối với thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục đề xuất chính sách tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển thương hiệu du lịch, gồm: nâng cao năng lực, phát triển và duy trì các hoạt động liên quan theo định hướng các giá trị thương hiệu du lịch… Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cho rằng, việc tập trung triển khai xây dựng sản phẩm kích cầu là vấn đề quan trọng nhất. Sau khi có những sản phẩm kích cầu, cần mang sản phẩm đó đến những nơi có khách để giới thiệu thông qua các doanh nghiệp lữ hành, các hệ thống cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội…

Để góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới; tăng cường kết nối điểm đến, chuỗi cung ứng dịch vụ của các địa phương thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá hợp lý. Trên định hướng này, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt tay ký kết hợp tác kích cầu du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc, Tập đoàn Flamingo Đại Lải và Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.

Về phía chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang khẳng định, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, phát triển du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch của tỉnh hồi phục giai đoạn hậu Covid - 19 và phát triển bền vững trong thời gian tới. “Tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường quảng bá du lịch và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, các tour liên kết du lịch song song với triển khai các giải pháp kích cầu phát triển du lịch”- ông Giang nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới và Việt Nam. Theo đó, để thúc đẩy du lịch nội địa các địa phương, doanh nghiệp cần có những hành động cụ thể, như: giảm hoặc miễn phí thăm quan dịch vụ, xây dựng các gói kích cầu du lịch nội địa với giá hợp lý; quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý điểm đến, vệ sinh môi trường và duy trì nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Hoa Quỳnh/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/phuc-hoi-du-lich-vung-dat-vang-139607.html

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi du lịch “vùng đất vàng” tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội