Nhà thuốc 365 được giới thiệu là đơn vị kinh doanh thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Sun Pharma - đơn vị chuyên bán buôn, bán lẻ các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất, các sản phẩm sữa……
Không chỉ phát triển hệ thống cửa hàng, Nhà thuốc 365 còn mở rộng quảng bá các sản phẩm đang bày bán tại nhà thuốc trên nhiều kênh thông tin đại chúng như Facebook, Youtube, website.
Quảng cáo thực phẩm trên Fanpage của Nhà thuốc 365. (Ảnh chụp màn hình ngày 11/3/2021) |
Đáng nói, theo ghi nhận của phóng viên Doanh nghiệp & Hội nhập, Nhà thuốc 365 đang có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật về việc quảng cáo thực phẩm.
Theo đó, tại bài đăng ngày 10/3/2021 trên Fanpage của Nhà thuốc 365 đưa nội dung: “Giúp con hết ốm vặt, tăng đề kháng khi mẹ chọn Sữa số 3 Hoàng Gia. Nhà thuốc 365 xin chia sẻ đến ba mẹ một bí quyết giúp con hết ốm vặt, tăng đề kháng từ Hot Mom Trang Thùy Lương”.
"Bác sỹ Đoàn Hải Đăng" giới thiệu về sản phẩm trên kênh Youtube của Nhà thuốc 365. (Ảnh chụp màn hình ngày 11/3/2021) |
Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP - hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế (bao gồm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung) đã quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm là: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Bên cạnh đó, khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin. |