Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Phúc thẩm tranh chấp Cty TDS - Trường Newton: “Toà sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng”?

KIẾN THỨC 10:17 21/08/2020

Đó là quan điểm mà luật sư phía nguyên đơn - Công ty TDS/bà Trần Kim Phương đưa ra tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty TDS với trường Newton/bà Lê Thị Bích Dung.

Chiều 19/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty TDS với Trường THCS-THPT Newton.
Phiên tòa diễn ra với sự có mặt của bà Trần Kim Phương, đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS (Công ty TDS); bà Lê Thị Bích Dung, đại diện Trường THCS-THPT Newton; ông Lê Văn Vàng, đại diện Trường tiểu học - THCS Pascal. Ngoài ra, ông Vũ Thế Lợi, Phó GĐ Công ty TDS, đại diện của Công ty Khai Phát và một cổ đông của Công ty TDS cũng tới dự phiên xử.
Luật sư nguyên đơn: “Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng”?
Ngay trong phần tranh tụng, luật sư của nguyên đơn (Công ty TDS) cho rằng, Tòa án sơ thẩm đã vi phạm Điều 200, 201 - BLTTDS về việc thụ lý đơn phản tố cũng như đơn yêu cầu độc lập của bị đơn (Trường Newton) và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Trường Pascal). Bởi theo quy định tại điều 200, 201- BLTTDS, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan “có quyền phản tố và yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp, kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Trên thực tế, Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành mở cuộc họp, công khai chứng cứ vụ án nêu trên vào ngày 9/5/2019, nhưng mãi đến 9/8/2019, Trường Newton mới có đơn phản tố. Ngày 17/9/2019, Trường Pascal có đơn yêu cầu độc lập. Tức là quá hạn thụ lý đơn hơn 4 tháng.
Theo luật sư, bà Lê Thị Bích Dung không được làm người đại diện cho bị đơn trong vụ án này. Nguyên nhân bởi bà Dung đại diện Trường Newton tham gia tố tụng vụ án với tư cách bị đơn, nhưng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty TDS (là nguyên đơn trong vụ án).
“Như vậy, một mình bà Dung mang hai vị trí tố tụng có quyền lợi đối lập nhau trong 1 vụ án. Do đó, bà Dung thuộc trường hợp không được làm đại diện tham gia vụ án với tư cách là bị đơn theo điều 87- BLTTDS”, nữ luật sư nói.
Nữ luật sư nguyên đơn nhấn mạnh: Tại phiên tòa, bà Dung không có tư cách đại diện cho Trường Newton còn do giấy ủy quyền của ông Lê Thanh Sơn chỉ có thời hạn đến 20/4/2020.
Đối với yêu cầu độc lập của Trường Pascal, luật sư nguyên đơn cho rằng HĐXX cần xem xét lại tư cách khởi kiện của ông Lê Văn Vàng. Theo hồ sơ thể hiện, ông Lê Văn Vàng, đại diện cho Trường Newton viết “đơn khởi kiện”. Về hình thức, tòa sơ thẩm đang xác định Trường Pascal là “Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” thì Trường Pascal chỉ có quyền yêu cầu độc lập chứ không phải “khởi kiện” vụ án.
Mặt khác, tại giấy uỷ quyền của Chủ tịch HĐQT trường Pascal cho ông Vàng, không có nội dung “uỷ quyền khởi kiện”. Vì vậy, việc ký đơn khởi kiện là một trình tự tố tụng theo quy định của BLTTDS, ông Vàng không thể sử dụng một giấy uỷ quyền chung chung ghi là “ký các văn bản, tài liệu...” để làm đơn khởi kiện thay cho Trường Pascal được.
Luật sư tiếp tục cho rằng, Tòa sơ thẩm chưa tiến hành xác minh tài sản - tranh chấp, là toàn bộ phần đầu tư xây dựng của Trường Newton trên toàn bộ phần đất TH1 (7.200m2), để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.
Để dẫn chứng thông tin trên, luật sư nêu theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty TDS và Công ty Khai Phát và hợp đồng huy động vốn giữa Công ty Khai Phát và Trường Newton, Công ty Khai Phát ủy quyền cho Trường Newton đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị trên toàn bộ diện tích đất TH1 - rộng 7.200m2 đất, chứ không phải chỉ trên diện tích đất 3.600m2 đất mà hai bên thoả thuận tương ứng với số cổ phần chuyển nhượng theo hợp đồng ngày 23/01/2017.
Do vậy, để xác định chính xác việc đầu tư trên diện tích đất 7.200m2 đất nêu trên sẽ thuộc về ai; đồng thời toàn bộ phần xây dựng và cơ sở vật chất trên đó sau khi được quyết toán thuộc về ai? Cần thẩm định chi tiết để xác định cụ thể. Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm mới chỉ xem xét tại chỗ mà chưa tiến hành định giá tài sản dẫn đến việc giải quyết không thể triệt để được.
Đặc biệt, bà Trần Kim Phương là người có quyền và nghĩa vụ đặc biệt quan trọng (không thể thiếu) trong vụ án nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng vụ án. Nguyên đơn (Công ty TDS) khởi kiện, yêu cầu bị đơn thực hiện Hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 03/11/2016 và Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 19/01/2017. Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện Công ty TDS yêu cầu Toà án xét xử 2 nội dung, liên quan đến Công ty TDS, là: Thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo Văn bản thoả thuận giữa Công ty TDS và Bà Lê Thị Bích Dung và yêu cầu bà Dung trả hoá đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2 tỷ đồng) - theo Biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/05/2018.
Tuy nhiên, sau đó, bị đơn (bà Dung) có đơn phản tố đề nghị huỷ một phần hợp đồng ngày 03/11/2016 (huỷ phần thoả thuận Trường Pascal chuyển nhượng 49% cổ phần cho bà Phương); huỷ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07 ngày 23/01/2017 giữa Trường Newton và bà Trần Kim Phương.
Khi xét xử Tòa án sơ thẩm lại đi xử (công nhận hiệu lực) một hợp đồng mà cả nguyên đơn và bị đơn không ai khởi kiện, đó là hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 23/01/2017 giữa bà Trần Kim Phương và Trường Newton? Hợp đồng này xác định bà Trần Kim Phương chuyển nhượng cho Trường Newton 13,09% cổ phần của và Phương tại Công ty TDS.
“Hợp đồng này được ký kết giữa cá nhân bà Phương và Trường Newton (do bà Dung làm đại diện). Vì vậy, trong trường hợp Toà án tuyên xử hợp đồng này, thì phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cá nhân bà Phương. Vì quyết định này trực tiếp làm mất hoặc còn 13,09% cổ phần của cá nhân bà Phương. Vì thế, bà Phương không chỉ mang một tư cách là đại diện cho Công ty TDS mà bà mang tư cách là người sở hữu 13,09% cổ phần tại công ty TDS”, luật sư nguyên đơn trình bày.
Theo luật sư nguyên đơn, phải xác định Trường Newton có yêu cầu độc lập với bà Trần Kim Phương. Thực tế, đơn phản tố của Trường Newton không đề nghị nội dung này, mà nội dung này chỉ xuất hiện khi Toà án thụ lý đơn của Trường Newton kiện về 5 nội dung khác, không có yêu cầu công nhận hiệu lực Hợp đồng ngày 23/01/2027;
“Vì vậy, chúng tôi đề nghị HĐXX xét lại: Không chấp nhận phần quyết định của Bản án sơ thẩm về việc tuyên “công nhận hiệu lực Hợp đồng ngày 23/01/2017, vì không phải là đối tượng khởi kiện của các bên. Đồng thời, việc không đưa bà Phương vào tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện (nếu Tòa án xét Hợp đồng này) khiến bà Phương không được thực hiện các quyền lợi của người bị kiện kèm theo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà Phương”, nữ luật sư kiến nghị.
“Trong thực tế, hiện nay bà Phương đang bị mất 13,09% cổ phần tại Công ty TDS, chứ không phải Công ty TDS mất. Nhưng bà Phương không được thực hiện các quyền tố tụng theo quy định của BLTTDS, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà Trần Kim Phương”, nữ luật sư nói.
Cuối cùng, luật sư nguyên đơn cho rằng phiên tòa đang thiếu người tham gia tố tụng khác, là các thành viên HĐQT Trường Newton và luật sư tham gia trực tiếp tư vấn, soạn thảo, làm chứng việc Trường Newton và bà Trần Thị Kim Phương ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 07/2018, để làm rõ có hay không việc Trường Newton bị bà Phương ép ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (vì bản án quyết định hợp đồng 07 vô hiệu do bị ép ký)?
Thẩm phán phản ứng với luật sư của bị đơn
Tại phiên xét xử, luật sư nguyên đơn đặt ra các câu hỏi cho bà Lê Thị Bích Dung liên quan đến khoản tiền thanh toán việc xây dựng Trường Pascal giữa bà Dung và bà Phương; việc khoản tiền 15 tỷ đồng mà Trường Newton chuyển cho bà Phương; việc ký bán 49% cổ phần; cuộc họp ngày 20/5/2018, và việc bà Dung cho rằng, bà Phương đã treo băng rôn, khẩu hiệu, đổ đất cát để ép bà Dung bán lại cho bà Phương 13,09% cổ phần?
Bà Lê Thị Bích Dung sau đó trả lời một số câu hỏi và một số câu được ủy quyền cho luật sư của bà. Ngay sau đó, luật sư phía Newton/bà Dung đứng lên nói: “Tất cả những câu hỏi này đã được hỏi, trả lời, làm rõ tại phiên Tòa sơ thẩm bởi HĐXX và những luật sư đồng nghiệp, cũng như những người có quyền, nghĩa vụ liên quan”.
Luật sư bị đơn nhấn mạnh thêm: “Tất cả những câu trả lời này cũng như tài liệu kèm theo đều có hết trong hồ sơ vụ án. Như vậy, do luật sư chưa nghiên cứu nhiều hồ sơ… Tôi xin phép không trả lời lại”.
Khi luật sư bị đơn vừa ngồi xuống, Thẩm phán đã yêu cầu vị này đứng dậy và hỏi: “Tôi hỏi ông có biết phiên tòa này là tòa sơ thẩm hay phúc thẩm không ạ?”. Nam luật sư đáp lại câu hỏi Thẩm phán: “Phúc thẩm”.
Thẩm phán tiếp tục nói: “Ông trình bày ở phiên Tòa sơ thẩm thế nào là quyền và nghĩa vụ của ông. Tuy nhiên, tại phiên Tòa phúc thẩm, luật sư đưa ra câu hỏi và ông có nghĩa vụ trả lời cho HĐXX tại phiên phúc thẩm, chứ không phải là: “Tôi đã trình bày ở sơ thẩm, phúc thẩm tôi không trình bày nữa”. Những câu hỏi đó, luật sư có thể trình bày hoặc không trình bày. Ở đây, chúng tôi muốn nghe toàn bộ sự việc như thế nào”.
“Nếu luật sư nêu ra lý do "tôi đã trình bày tại phiên sơ thẩm rồi, hôm nay tôi không trình bày nữa", luật sư thử suy nghĩ xem có đúng với quy định của BLTTDS không?”, vị Thẩm phán tiếp tục hỏi.
Bên cạnh đó, tại phiên tòa, các luật sư phía nguyên đơn, bị đơn cũng lần lượt đặt câu hỏi cho bà Trần Kim Phương, Lê Thị Bích Dung, ông Vũ Thế Lợi, ông Lê Văn Vàng, đại diện của Công ty Khai Phát. Cùng với đó, một cổ đông của Công ty TDS là bà Nghiêm Nhật Anh cũng giành cho bà Lê Thị Bích Dung nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên, kết thúc phần hỏi, HĐXX thông báo đến 13h30 ngày 28/8/2020, phiên phúc thẩm của vụ án mới tiếp tục xét xử để các bên thu thập, bổ sung thêm tài liệu liên quan đến vụ án.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/phuc-tham-tranh-chap-cty-tds--truong-newton-toa-so-tham-vi-pham-thu-tuc-to-tung-d81097.html

Bạn đang đọc bài viết Phúc thẩm tranh chấp Cty TDS - Trường Newton: “Toà sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng”? tại chuyên mục Nghe xem đọc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Nghe xem đọc