Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Giá cá, tôm giảm sâu khiến các hộ nuôi thủy sản điêu đứng

DTVN 16:07 16/09/2020

Người nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền Trung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do thời tiết bất thường khiến dịch bệnh phát sinh và giá giảm sâu bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nổi tiếng là vựa nuôi tôm hùm lớn nhất của tỉnh này, đang vào vụ thu hoạch tôm hùm thương phẩm (tôm thịt) nhưng người nuôi tôm ở đây "khóc ròng" vì giá rớt thê thảm.

Cụ thể, tôm hùm bông (tôm sao) được thương lái thu gom đồng giá (800.000 đồng/kg) đối với tôm các loại, gồm loại 1 (1 con 1 kg trở lên), loại 2 (từ 800 g đến dưới 1 kg) và loại 3 (từ 600 g đến dưới 800 g). So với 5 tháng trước, tôm loại 1 giảm khoảng 700.000 đồng/kg, loại 2 giảm khoảng 550.000 đồng/kg, loại 3 giảm khoảng 350.000 đồng/kg. Không chỉ rớt giá, mùa tôm hùm này ở xã Nhơn Hải còn bị thất thu bởi tôm bị bệnh sữa, long đầu khiến sản lượng giảm đến 40%, hầu như các hộ nuôi tôm hùm ở xã Nhơn Hải đều lỗ từ 300 triệu đến hàng tỉ đồng.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, có 80 hộ nuôi hơn 700 lồng cá hồng, bớp, mú, chẽm… đang đến kỳ xuất bán nhưng ít người mua. Thậm chí, nhiều thương lái đặt cọc đến nửa số tiền mua bè cá nhưng đến hạn vẫn không đến bắt cá. Hộ ông Nguyễn Văn Thành hiện là một trong những người có số lồng bè nuôi cá nhiều nhất ở Hải Minh với 50 lồng nuôi hơn 2.000 con cá bớp, 5.000 con cá chẽm và 4.000 con cá mú. Năm nay, ông Thành vừa thả cá giống nuôi hơn 1 tháng đã nhiễm bệnh, chết gần 40% trong tổng đàn. Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn xác nhận do năm ngoái không có lũ, khu vực nuôi không được làm sạch nên cá dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ giảm, làm giá cá giảm theo. "So với thời điểm này năm ngoái, cá bớp giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg, cá chẽm giảm 25.000 đồng/kg, cá mú giảm 100.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm" - ông Thành than.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi trồng thủy sản cũng điêu đứng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và thủy sản chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm và thời tiết thất thường. Tại huyện đảo Lý Sơn, vựa nuôi cá bớp của ông Trương Tày đã đến ngày xuất bán (trọng lượng trung bình 2 kg/con) xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. "Cách đây 3 tuần, hơn 10.000 con cá bớp nuôi của nhiều hộ dân ở đây (từ 500 g đến 5 kg/con) cũng chết do thiếu ôxy vì dòng chảy yếu, nắng nóng" - ông Tày nói. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một vựa nuôi tôm hùm, cho biết giữa năm 2019, gia đình bà đầu tư gần 1 tỉ đồng mua giống tôm hùm về nuôi thả lồng bè. "Thông thường, tôm nuôi khoảng 7-8 tháng có thể vớt con lớn bán cho khách du lịch nhưng do dịch Covid-19, lượng tôm bán chẳng bao nhiêu. Hiện giá tôm còn giảm liên tục, không biết làm sao trả nợ" - bà Thanh nói.

Tại TP Đà Nẵng, theo thống kê, hoạt động khai thác thủy sản trong tháng 8 không được thuận lợi, dịch Covid-19 và thời tiết phức tạp khiến việc khai thác trong tháng này thấp hơn tháng trước. Tháng trước, ông Võ Văn Khoa (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có đàn cá ba sa hơn 6.000 con đã đến độ xuất ao. Tuy nhiên, do TP giãn cách xã hội khiến cá của ông Khoa cùng nhiều hộ nuôi khác rất khó đến được với người cần nên ông đành nuôi tiếp, chịu lỗ chi phí thức ăn gần 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, giá tôm xuống thấp, đầu ra chậm khiến nhiều người nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cũng bị ảnh hưởng nặng.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/gia-ca-tom-giam-sau-khien-cac-ho-nuoi-thuy-san-dieu-dung-d82561.html

Bạn đang đọc bài viết Giá cá, tôm giảm sâu khiến các hộ nuôi thủy sản điêu đứng tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội