Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Vai trò quan trọng của lãnh đạo trong quản lý đổi mới sáng tạo

vietq 11:29 22/08/2023

Các chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp chính là cam kết của lãnh đạo.

Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yếu tố chính giúp tăng trưởng bền vững, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Khả năng đổi mới sáng tạo của một doanh nghiệp bao gồm khả năng ứng phó với các điều kiện thay đổi của bối cảnh, tìm kiếm các cơ hội mới, tận dụng kiến thức, sự sáng tạo của mọi người trong doanh nghiệp và phối hợp với các bên liên quan bên ngoài.

Các quá trình và hoạt động hỗ trợ đối với đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể được quản lý trong một hệ thống thống nhất được gọi là Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp (Innovation Management System, IMS). Theo đó, Ủy ban Kỹ thuật ISO TC279 đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn mới về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo (IMS) với sự tham gia, đóng góp của hơn 40 quốc gia vào việc phát triển bộ tiêu chuẩn này (bộ tiêu chuẩn ISO 56000).

IMS hướng dẫn doanh nghiệp xác định tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, trên cơ sở đó thiết lập quy trình cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra. IMS giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tăng khả năng cạnh tranh; giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả sử dụng tài nguyên; cải thiện tính bền vững và nâng cao “khả năng phục hồi”; tăng sự hài lòng của khách hàng và các bên liên quan; duy trì danh mục đầu tư về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; nâng cao uy tín và định giá của doanh nghiệp...

Một trong những yếu tố quan trọng áp dụng thành công tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo là cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng áp dụng thành công tiêu chuẩn trong doanh nghiệp này chính là cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp. Cụ thể, ban lãnh đạo cấp cao thể hiện cam kết đối với IMS thông qua các hoạt động cụ thể sau: Chịu trách nhiệm về hiệu lực và hiệu quả của IMS; Thiết lập tầm nhìn, chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh và định hướng chiến lược của doanh nghiệp; Thúc đẩy văn hóa hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; Đảm bảo việc áp dụng và tích hợp các yêu cầu IMS vào quy trình và tổ chức hiện có của doanh nghiệp; Đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho IMS; Tạo ra nhận thức và truyền đạt tầm quan trọng của quản lý đổi mới sáng tạo hiệu quả và áp dụng hướng dẫn IMS cho doanh nghiệp; Khuyến khích và công nhận các cá nhân thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện học hỏi từ thành công và thất bại; Thúc đẩy kế hoạch cải tiến liên tục IMS.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo cần thể hiện cam kết đối với việc thực hiện giá trị của hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua: xác định các cơ hội dựa trên nhu cầu hiện tại; cân bằng giữa cơ hội và rủi ro; xem xét khả năng thất bại; cho phép thử nghiệm liên quan đến khách hàng và các bên liên quan để kiểm tra các giả thuyết...

Ban lãnh đạo cần thiết lập, thực hiện và duy trì tầm nhìn đổi mới sáng tạo thông qua việc đánh giá tác động của các hoạt động đổi mới sáng tạo đối với tương lai của doanh nghiệp; lựa chọn, xây dựng chiến lược, chính sách và mục tiêu đổi mới sáng tạo; truyền cảm hứng cho mọi người hướng tới tầm nhìn đổi mới sáng tạo; nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thu hút các bên liên quan.

Đồng thời, ban lãnh đạo cũng cần thiết lập, thực hiện và duy trì chiến lược đổi mới sáng tạo để khẳng định vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Chiến lược đổi mới sáng tạo đánh giá một số yêu cầu sau: Bối cảnh của doanh nghiệp; Tầm nhìn và chính sách đổi mới sáng tạo; Vai trò, trách nhiệm và quyền hạn; Các mục tiêu đổi mới sáng tạo và các kế hoạch để thực hiện; Tổ chức của doanh nghiệp; Các quy trình hỗ trợ, phân bổ nguồn lực.

Chiến lược đổi mới sáng tạo tập trung vào hiện thực giá trị trong các điều kiện “không chắc chắn”. Điều này đòi hỏi sự cân bằng của việc ra quyết định dựa trên giả định và điều kiện thực tiễn đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Chiến lược đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp và các bên liên quan hiểu được quyết định đưa ra để đạt được các mục tiêu đổi mới sáng tạo, đồng thời góp phần thu hút và truyền cảm hứng cho doanh nghiệp trong việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động này.

Bạn đang đọc bài viết Vai trò quan trọng của lãnh đạo trong quản lý đổi mới sáng tạo tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống