Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 576 trận thiên tai; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại ĐBSCL. Các loại hình thiên tai đã làm 357 người chết, mất tích; 912 người bị thương, và nhiều thiệt hại khác,... Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 39.940 tỉ đồng.
Nói về tình hình thiên tai xảy ra trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, năm 2020 để lại nhiều di chứng thiên tai do thiên tai dị thường như lũ kép bão chồng, mưa lũ lịch sử, nhiều kỷ lục đã bị phá vỡ. Và nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do biến đổi khí hậu nhanh vượt cả tốc độ dự báo.
Mưa đá vào mùng 1 Tết
Từ chiều cuối năm sang mùng 1 đầu năm mới, thời tiết miền Bắc khá dị thường khi xuất hiện mưa giông, nhiều nơi còn kèm theo cả thời tiết cực đoan là mưa đá.
Hiện tượng thời tiết này là chưa từng xảy ra trong ít nhất 10 năm trở lại đây. Mưa đá xuất hiện ở một loạt các tỉnh thành như Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Thái Nguyên, Thái Bình và thậm chí cả thủ đô Hà Nội. Riêng ở Lạng Sơn, mưa đá còn xuất hiện tới 2 lần, vào chiều 30 Tết và sáng mùng 1 Tết.
Tiếp đó, trong khoảng tháng 3-4/2020, những cơn mưa đá vẫn tiếp tục trút xuống nhiều địa phương của miền núi phía Bắc. Đáng chú ý, mưa đá liên tục xảy ra vào đêm 17 và ngày 18/3/2020 tại 8 tỉnh (Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang) đã làm 3.188 nhà hư hỏng, tốc mái; 1.028 ha hoa màu gãy đổ; 214 con gia súc, gia cầm bị chết. Ước thiệt hại 14,06 tỉ đồng.
Mưa đá trắng như tuyết phủ kín mặt đất ở Lai Châu. (Ảnh: Internet) |
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên xảy ra sự tranh chấp mạnh mẽ giữa khối không khí nóng và không khí lạnh, dẫn đến nhiễu loạn không khí gây ra mưa dông. Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên... còn xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan là mưa đá.
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trước mỗi đợt không khí lạnh thường gây mưa, mưa rào, còn ở khu vực nào có mây đối lưu mạnh thì có mưa to thậm chí mưa đá.
Nhiều kỷ lục nhiệt độ được thiết lập
Mùa hè năm nay, nhiệt độ cực đại chưa vượt qua kỷ lục năm 2019 nhưng lại khắc nghiệt theo một cách khác khi số ngày nắng nóng kéo dài nhất, nhiều dòng sông cạn nhất trong lịch sử.
Đầu tháng 5, Hà Nội hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt hơn 41 độ C, nhiều nơi có chỉ số tia UV đạt mức gây hại. Lý giải điều này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ ở Nam Trung Bộ, đầu tháng 5, nắng nóng xảy ra với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ.
Đặc biệt, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 21/5/2020 đã lên tới 789,6 triệu kWh. Đây không chỉ là mức cao nhất từ đầu năm 2020 mà còn cao hơn cả ngày tiêu thụ điện lớn nhất của năm 2019 và cũng là mức cao kỷ lục mới.
Trong tháng 6, ở Bắc Bộ đã xuất hiện khoảng 21 ngày nắng nóng diện rộng. (Ảnh: Internet) |
Tháng 6/2020, miền Bắc đã trải qua một mùa hè với nắng nóng gay gắt kéo dài. Trong tháng 6, ở Bắc Bộ đã xuất hiện khoảng 21 ngày nắng nóng diện rộng, riêng Thủ đô Hà Nội (tại trạm Hà Đông) xảy ra 26 ngày nắng nóng. Đây được đánh giá là đợt nắng nóng kéo dài nhất lịch sử trong chuỗi số liệu tính từ năm 1971 đến nay (49 năm) ở miền Bắc.
Hạn mặn lịch sử ở ĐBSCL
Thời tiết biệt dị cũng khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm nhập mặn, liên tục sạt lở bờ sông, bờ biển, lún đê...
Các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau phải công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp. Chỉ tính riêng các vùng ven biển, thiệt hại đã lên đến hơn 5.500 tỉ đồng; hàng trăm nghìn ha vườn cây, đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không thể canh tác.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới 10/13 tỉnh trong vùng, gây thiệt hại khoảng 41.900 ha lúa đông xuân 2019-2020 ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó mất trắng là 26.000 ha. Đối với cây ăn trái, có đến 6.650 ha bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn; trong đó mất trắng khoảng 355 ha. Hàng nghìn ha rau màu và hơn 8.715 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Mực nước trên các kênh trục xuống thấp trong mùa khô 2019-2020 còn dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún nhiều nơi ở ĐBSCL.
“Hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020 ở ĐBSCL là nghiêm trọng nhất trong lịch sử”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Nguyên nhân khiến xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt. Mùa khô năm 2019-2020, nguồn nước về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây. Phạm vi ảnh hưởng với ranh mặn 4g/lít là 1,68 triệu ha, cao hơn 50.376 ha so với hạn mặn lịch sử năm 2016.
Nhiều tỉnh ĐBSL phải công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp. (Ảnh: Internet) |
Lũ chồng bão ở miền Trung
14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động liên tục trên Biển Đông - nhiều hơn trung bình các năm 20%, ảnh hưởng chủ yếu đến miền Trung.
Sau đợt hạn hán kéo dài, đầu tháng 10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đón những trận mưa to (50-100 mm) liên tục trong 24 tiếng do chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh - khởi đầu một chuỗi thiên tai dồn dập.
Trong 20 ngày, 4 cơn bão Linfa, Nangka, Saudel, Molave và một áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam. Hiện tượng dị thường này lặp lại sau 37 năm.
Trong đó, Molave với thời gian lưu bão kéo dài 6 tiếng và có cường độ mạnh nhất trong 2020. Cơn bão này đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định nhưng phạm vi ảnh hưởng lan rộng cả miền Trung, Tây Nguyên.
Bão dồn dập, mưa lớn triền miên khiến nhiều vùng ở Trung Bộ ngập sâu. Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 10, tổng lượng mưa các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi là 1.000 - 2.000 mm, có nơi 2.000-3.000 mm, cao hơn 3-5 lần so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đã đạt nhiều kỷ lục. Riêng tháng 10, lượng mưa cao nhất trong 60 năm qua với 2.370 mm. Chỉ trong một ngày, lượng mưa được ghi nhận cao nhất là 872 mm - hơn trung bình một năm của tỉnh Ninh Thuận (700-800 mm). Lần đầu tiên trong 40 năm, Hà Tĩnh phải lên phương án phá tràn hồ Kẻ Gỗ để đảm bảo an toàn công trình, khi mực nước ở cao trình 33,8 m - vượt so với ngưỡng an toàn 32,5 m.
Ngày 12/10 và 19/10, ngập lụt xảy ra trên diện rộng khiến hơn 317.000 hộ dân với hơn 1,2 triệu người từ Nghệ An đến Quảng Nam bị ảnh hưởng; nhiều nơi ngập sâu, kéo dài tới 15 ngày. Trong đó, Quảng Bình là địa phương bị nặng nhất.
Mưa lớn trên diện rộng cũng gây các đợt lũ trên 16 tuyến sông, nhiều mốc kỷ lục bị thay thế.
Nhiều vùng ở Trung Bộ ngập sâu. (Ảnh: Internet) |
Mưa ão kỷ lục và kéo dài liên tục đã khiến nhiều trận sạt lở đất thương tâm xảy ra. Hơn 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra năm qua. Trong đó, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tiên tiếp 3 vụ trong một tuần, khiến hơn 50 người thiệt mạng.
Thảm kịch đầu tiên là lúc 0h ngày 12/10, khi ngọn núi nằm cạnh thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đổ xuống, san phẳng nhà điều hành và vùi lấp 17 người.
Cùng nhiều lực lượng tìm kiếm các nạn nhân, đoàn công tác 21 người do Phó tư lệnh Quân khu 4 - thiếu tướng Nguyễn Văn Man, dẫn đầu vào hiện trường. Nửa đêm, khi chỉ còn cách vài km, đoàn nghỉ chân tại dãy nhà cấp bốn dựa lưng vào núi của Trạm kiểm lâm 67, bất ngờ đất đá từ trên sập xuống giết chết 13 người.
Tiếp đó, 1h ngày 18/10, ngọn núi gần nơi đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) bất ngờ sạt, đè lên nhiều gian nhà. 5 người được cứu ra ngoài. 22 người tử vong gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
10 ngày sau, tại Quảng Nam, các ngọn núi ở xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn) sạt lở, chôn vùi nhiều khu dân cư. 25 người thiệt mạng.
Hiện trường sạt lở đất ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. |
Hậu quả từ biến đổi khí hậu
Với những gì xảy ra trong 2020, có thể thấy sức tàn phá của thiên tai ngày càng khủng khiếp, sự bất thường của thời tiết ngày càng không theo quy luật và khó lường.
Nhận định về tình hình thiên tai trong năm 2020, chia sẻ với Vnexpress, TS Tô Văn Trường (chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường) cho rằng, nguyên nhân các cơn bão và các loại hình thiên tai khác có xu hướng tăng cường độ và bất thường là tác động của biến đổi khí hậu. "Điều này đã được chứng minh bởi các hiện tượng cực đoan và thiên tai trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung của sự nóng lên toàn cầu", ông nói.
Thông thường, bão xảy ra từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, trong đó các tháng nhiều nhất là 7, 8, 9, 10.
Tháng 7-8 bão hoạt động chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng Bắc Bộ); tháng 9 ở Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh); tháng 10 xuất hiện và đổ bộ vào khoảng Trung Trung Bộ (Quảng Bình - Quảng Ngãi). Năm nay, do La Nina xuất hiện, bão nhiều hơn những năm El Nino, và đó là nguyên nhân khiến tháng 10 có đến 4 cơn bão dồn dập vào miền Trung. Tính cực đoan của thiên tai ở miền Trung là bão liên tiếp gây mưa lớn trên diện rộng, lũ lụt kéo dài, đặc biệt là sạt lở xảy ra dữ dội hơn.
Nguyên nhân thứ hai được TS Trường đề cập là con người đã tàn phá thiên nhiên, rừng nguyên sinh (không phải rừng trồng) giảm mạnh. Ông phân tích, rừng nguyên sinh thường có lớp mùn dày, gồm các cây bụi thấp, lá cây mục, có chức năng tương tự như một miếng xốp thấm nước. Khi mưa xuống, lớp mùn này chặn những lượng mưa xối xả tuôn thẳng xuống, có thể giữ nước trong 1-2 ngày đầu và làm chậm dòng chảy của nước những ngày sau nếu mưa kéo dài. Không có rừng nguyên sinh, nước tạo thành dòng chảy xiết, gây lũ quét.
"Ngoài ra, dù không phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả thiên tai nặng nề, song thủy điện nhỏ cũng là tác nhân khiến thiên tai thêm cực đoan", TS Trường nêu quan điểm. Bởi phải chuẩn bị mặt bằng lớn xây dựng công trình làm lòng hồ - nghĩa là phải phá rừng. Bài học đắt giá trên sông Rào Trăng vẫn còn đó, khi một nhánh sông nhỏ dài 26 km có đến 4 dự án thủy điện, rừng đầu nguồn gần như mất hết.
Theo Nhật Hạ/Kinh tế Môi trường