Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), dự kiến từ quý 2/2021, thành phố sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện. Các tuyến buýt mới này có điểm đầu, điểm cuối tại các khu đô thị mới đông dân cư, nhu cầu sử dụng cao và sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng.
Cụ thể, 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện bao gồm: Long Biên - Trần Phú - Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Smart City;
Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park - Sân bay Nội Bài.
Mẫu xe buýt điện dự kiến vận hành tại Hà Nội. |
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.
“Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP.Hà Nội và TP.HCM,” Thứ trưởng Thọ cho hay.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đánh giá phần lớn xe buýt hiện tại chỉ có tiêu chuẩn khí thải Euro 2 hoặc Euro 3, tức là mức độ phát thải ô nhiễm môi trường tương đối cao. Trong khi đó, xe buýt chạy điện sẽ cơ bản khắc phục được nhược điểm này.
“Việc xuất hiện xe buýt điện sẽ là tiêu chí mới, riêng biệt và hấp dẫn để thúc đẩy nhiều khách hàng mới cho xe buýt. Những chiếc xe buýt điện mới mẻ sẽ còn tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa về thói quen của người dân. Thay đổi quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm, là sự quan tâm đến những vấn đề chung như việc bảo vệ môi trường,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội, đến hết năm 2020, mạng lưới xe buýt ở TP.Hà Nội đã đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Để tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng, thành phố sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; nghiên cứu tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện…
Theo Kinh tế Môi trường