Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam “ép” bệnh nhân liệt dây thần kinh bằng điều khoản “lạ lùng”?

THEO SỞ HỮU TRÍ TUỆ 11:08 24/06/2020

Dù kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh số 7, BVTM Kangnam lại yêu cầu người bệnh không được tự ý thăm khám, điều trị khi chưa có sự đồng ý của Kangnam.

Đòi hỏi có phần vô lý nói trên có phải là nguyên nhân khiến bệnh nhân không được chữa trị kịp thời, gây ra hậu quả nghiêm trọng hay không?

“Mua” sự im lặng dưới danh nghĩa thoả thuận?

Như đã thông tin ở bài trước, ngày 10/2/2020, trong đơn phản ánh gửi các cơ quan báo chí bà Hiền Lương (Lương Jaschek, Việt kiều Đức) cho biết, ngày 22/4/2016, đã đến BVTM KangNam tại địa chỉ số 84A Bà Huyện Thanh Quan (phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) để tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM).

Sau khi được đội ngũ BVTM Kangnam tư vấn, thì đến ngày 23/4/2016, bà Hiền Lương tiến hành làm các thủ tục khám bệnh, lấy máu xét nghiệm để thực hiện PTTM căng da mặt, căng da trán và cắt mí mắt. Tuy nhiên, ca PTTM tại KangNam thất bại, và hậu quả khiến bà chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần kéo dài trong suốt 4 năm qua.

“Các bác sĩ bên Đức vừa mới giám định và thông báo tôi bị liệt dây thần kinh số VII, và V, biến dạng khuôn mặt, mất 50% sức khoẻ do thương tật…”, bà Hiền Lương nhấn mạnh.

Theo đó, tại thời điểm năm 2016, khi vừa PTTM cho bà Hiền Lương xong, nhận thấy có dấu hiệu bất thường, BVTM Kangnam đã đưa bà sang thăm khám tại Bệnh viện chuyên khoa ngoại Thần kinh Quốc tế (đường Luỹ Bán Bích, TP Hồ Chí Minh). Tại đây, kết quả cho thấy bà Hiền Lương bị tổn thương dây thần kinh số VII.

Chưa bàn tới việc, bà Hiền Lương bị tổn thương dây thần kinh số VII có phải là do ca PTTM căng da mặt ở Kangnam gây ra hay không, chỉ chắc chắn rằng, là Bệnh viện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp thì việc điều trị dây thần kinh bị tổn thương nằm ngoài chuyên môn của các bác sĩ của Kangnam. Điều này cũng lý giải vì sao khi vừa nhận thấy bất ổn, Kangnam đã phải vội vàng đưa bà Hiền Lương sang Bệnh viện chuyên khoa ngoại Thần kinh Quốc tế, để có kết luận chính xác nhất.

Tuy nhiên, bất chấp việc nằm ngoài phạm vi chuyên môn, ngày 6/5/2016, Lãnh đạo BVTM Kangnam gồm ông Phan Văn Trung Hiếu – Giám đốc Bệnh viện và bà Lê Thị Minh Đương – Phó Giám đốc Bệnh viện, đã cùng bà Hiền Lương lập một biên bản làm việc, với nhiều thoả thuận “khó hiểu” liên quan tới việc điều trị cho bà này sau ca phẫu thuật hỏng.

Cụ thể, BVTM Kangnam hứa sẽ hồ trợ tất cả các bác sĩ giỏi đầu ngành để chẩn đoán, thăm khám về chuyên môn cho bà Hiền Lương miễn phí trong quá trình điều trị tại BVTM Kangnam.

BVTM Kangnam sẽ sắp xếp bố trí khách sạn cho bà Hiền Lương ở và cử điều dưỡng chăm sóc cho bà trong quá trình điều trị sau phẫu thuật.

“Thời gian phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật sẽ từ 3-6 tháng. Tuy nhiên mọi người đồng ý và hiểu rõ rằng thời gian phục hồi còn tuỳ thuộc vào cơ địa, các bệnh tiềm ẩn của khách hàng trước đó mà điều đó có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến giai đoạn này. Sau 6 tháng nếu kết quả điều trị chưa hồi phục thì Bệnh viện sẽ chịu mọi chi phí điều trị cho bà Hiền Lương đến khi ổn định”, văn bản thoả thuận nêu rõ.

Trong đó, đáng chú ý nhất chính là yêu cầu, vào thời điểm bác sĩ, điều dưỡng của BVTM Kangnam trực tiếp theo dõi tình hình sức khoẻ cũng như thời gian phục hồi của bà Hiền Lương, và để quá trình điều trị đạt được hiệu quả cao nhất thì bà Hiền Lương vui lòng không tự ý thăm khám, điều trị tại nơi khách mà chưa có sự đồng ý của các bác sĩ BVTM Kangnam, để hạn chế tối đa các tác động bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

BVTM Kangnam còn khẳng định sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng thăm khám, chẩn đoán khi có nhu cầu sau khi bà Hiền Lương đã hoàn toàn hồi phục và trở về nhà (nếu có).

Rõ ràng, các bác sĩ của Kangnam đã biết bà Hiền Lương bị liệt dây thần số VII, nhưng vấn cố tình “chôn chân” bà này trong phạm vi điều trị của BVTM Kangnam. Liệu rằng, có phải vì không cho bệnh nhân đi thăm khám, điều trị kịp thời là nguồn căn dẫn đến những biến chứng, di chứng mà đến tận hôm nay (sau 4 năm) bà Hiền Lương vẫn phải gánh chịu.

Có hay không việc BVTM Kangnam vì để bảo vệ thương hiệu, uy tín mà bất chấp tính mạng, sức khoẻ của khách hàng?

Cần phải làm sáng tỏ, nguyên nhân nào khiến BVTM Kangnam không cho bà Hiền Lương đi thăm khám ở cơ sở khác tại thời điểm phát hiện có bệnh lý trên cơ thể bà này? Nếu như bà Hiền Lương là người không có chuyên môn, chỉ biết nghe theo sự hướng dẫn từ BVTM Kangnam, thì các bác sĩ của Kangnam những người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế vì sao lại đưa ra những điều khoản “mờ ám” như trên?

Ngoài ra, liên quan đến 3 ca phẫu thuật liên tiếp mà BVTM Kangnam thực hiện cho bà Hiền Lương sau khi phát hiện dây thần kinh số VII bị tổn thương. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể trong một bài viết khác.

Tai tiếng trong dịch vụ PTTM căng da mặt…

Còn nhớ, cuối năm 2019, bệnh nhân nữ tên C.T.L. (SN 1960) cũng đã tử vong sau ca phẫu thuật căng da mặt tại BVTM Kangnam.

Vụ việc gây chấn động dư luận, nên ngày 16/10 BVTM Kangnam buộc phải ra thông cáo báo chí chính thức thừa nhận có vụ việc.

Theo đó, BVTM Kangnam thông tin vào lúc 8h06 sáng 11/10, bệnh nhân tên C.T.L. (cân nặng 59kg) đến BVTM Kangnam tư vấn làm đẹp do bị lão hóa da mặt và mong muốn được phẫu thuật căng da mặt.

Qua thăm khám lâm sàng không phát hiện bệnh lý, các xét nghiệm cận lâm sàng giới hạn bình thường, khai thác tiền sử bản thân khỏe mạnh, không có bệnh lý bất thường. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được các bác sĩ khám, tư vấn và giải thích hiểu rõ quy trình thực hiện phẫu thuật và những rủi ro có thể xảy ra trong khi phẫu thuật. Bệnh nhân đã đồng ý và ký cam kết trước khi phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật diễn ra bình thường. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tự thở, hỏi trả lời đúng và được chăm sóc hậu phẫu theo đúng quy trình. Đến 19h, bệnh nhân tiếp xúc tốt, thở đều, mạch đều rõ. Nhưng đến 21h, bệnh nhân đột ngột khó thở. Bác sĩ BVTM Kangnam đã chẩn đoán là: Theo dõi sốc phản vệ và xử trí điều trị theo phác đồ chống sốc phản vệ. Đến 21h20, bệnh nhân ổn định đủ điều kiện để chuyển viện. BVTM Kangnam gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ chuyên môn hội chẩn thống nhất chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 lúc 21h35.Đến chiều cùng ngày, bệnh viện tiến hành phẫu thuật căng da mặt cho khách hàng. Phương pháp phẫu thuật là phẫu thuật căng da mặt bán phần. Bệnh nhân được hội chẩn và quyết định phẫu thuật lúc 13h30 ngày 11/10/2019 và kết thúc lúc 17h20 cùng ngày.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân được các y bác sĩ tiếp tục hồi sức và hội chẩn chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực nhưng do tình trạng nặng nên đã không qua khỏi lúc 20h45 ngày 14/10.

Đến ngày 3/11/2019, Sở Y tế TP đã công bố kết luận về sự cố y khoa nghiêm trọng này.

Theo đó, sau khi nắm thông tin sự việc, Sở Y tế đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn, nhằm phân tích nguyên nhân, kết luận có hay không sai sót chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ tại BVTM Kangnam. Thành phần Hội đồng chuyên môn bao gồm các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực có liên quan như: Gây mê hồi sức, Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc và Phẫu thuật thẩm mỹ.

Sau khi thảo luận, phân tích các dữ kiện và trên cơ sở khuyến cáo của các hội chuyên môn, Hội đồng chuyên môn đã kết luận:

“Đối với sự cố y khoa xảy ra tại BVTM Kangnam: Nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân C.T.L sau phẫu thuật căng da mặt ngày 11/10/2019 là do sốc phản vệ (mức độ 3,4) liên quan đến sử dụng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật”.

Qua kết luận của Hội đồng chuyên môn, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Ban Giám đốc BVTM Kangnam thực hiện các yêu cầu sau:

Tổ chức họp để phân tích sai sót, rút kinh nghiệm toàn bệnh viện để tránh lập lại sự cố tương tự;

Củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh, quy chế hồ sơ bệnh án của nhân viên y tế, đặc biệt là công tác gây mê hồi sức;

Xây dựng lại chức năng nhiệm vụ của từng vị trí hành nghề trong bệnh viện (bác sĩ trực, bác sĩ gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại khoa, điều dưỡng phòng mổ);

Thực hiện báo động đỏ liên viện đến bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ kịp thời khi có tình huống người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch.

Như vậy, liên tiếp hai trường hợp khách hàng: 1 tử vong, 1 thương tật 50%... sau khi PTTM căng da mặt tại BVTM Kangnam là sự trùng hợp, hay còn nguyên nhân nào khác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các bài viết sau.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/benh-vien-tham-my-kangnam-ep-benh-nhan-liet-day-than-kinh-bang-dieu-khoan-la-lung-d78171.html

Bạn đang đọc bài viết Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam “ép” bệnh nhân liệt dây thần kinh bằng điều khoản “lạ lùng”? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống