Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Băng giá, mưa tuyết 'bao trùm' vùng núi phía Bắc

DTVN 11:13 11/01/2021

Tình trạng băng giá đã xuất hiện ở các đỉnh núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái... Đây là đợt xuất hiện băng giá nhiều nhất trong mùa đông, tính đến tháng 1/2021.

Băng giá, mưa tuyết 'bao trùm' vùng núi phía Bắc

Trong hai ngày (9 và 10/1), không khí lạnh mạnh kết hợp mưa phùn khiến nhiệt độ một số vùng núi cao tại các tỉnh phía Bắc xuống thấp, có nơi dưới -1 độ C, thậm chí có nơi dưới - 9 độ C.

Tại tỉnh Lào Cai, sáng 9/1, nhiệt độ tại trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) ở mức 1 độ C, sương mù dày đặc, có mưa. Ghi nhận trên đỉnh Faxipan vào lúc 10h cùng ngày, nhiệt độ xuống mức -3 độ C, có mưa lớn kèm gió mạnh.

Cũng trong sáng 9/1, tại tỉnh Quảng Ninh, đường lên đỉnh chùa Đồng thuộc Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (TP.Uông Bí), băng giá đã xuất hiện, bám vào các thảm thực vật, phiến đá, mái chùa. Còn tại đỉnh núi Cao Ly thuộc huyện Bình Liêu, băng giá phủ trắng các cành cây, ngọn cỏ.

Băng giá, mưa tuyết bao phủ nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc.

Ngày 9/1, nền nhiệt chung ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuống 3 độ C, đặc biệt tại đỉnh đèo Khau Phạ chỉ còn 0 độ C, xuất hiện sương muối và băng giá.

Trước đó, sáng 8/1, nhiệt độ đo được tại đỉnh núi Phia Oắc, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) là - 9 độ C, xuất hiện hiện tượng băng giá phủ kín cành cây và mặt đất.

Đỉnh Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) chìm trong giá rét, băng tuyết phủ một lớp trắng có thể nhìn thấy rõ trên các cành cây, ngọn cỏ, cùng với mưa nhỏ, mây mù, gió mạnh nên cảm giác rất lạnh.

Đỉnh Mẫu Sơn phủ băng trắng xóa. (Ảnh: Đoàn Bổng)

Tại các huyện vùng cao biên giới núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần đã xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là khu vực các xã biên giới, nhiệt độ thấp nhất phổ biến dưới 5 độ C, vào ban đêm nhiệt độ xuống thấp dưới -2 độ C, băng tuyết và sương muối xuất hiện dày đặc trên diện rộng. Cao nguyên đá Đồng Văn chìm trong giá rét, băng tuyết xuất hiện trên các triền núi cao, tuyết phủ kín cây cối tạo ra một vùng rộng lớn trắng xóa.

Băng tuyết phủ kín nhiều nơi trên Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN phát)

Tình trạng băng giá đã xuất hiện ở các đỉnh núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái. Đây là đợt xuất hiện băng giá nhiều nhất trong mùa đông, tính đến tháng 1/2021.

Không khí lạnh tăng cường

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, chiều 9/1, có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam và sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc từ đêm 10/1.

Tình trạng rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-3,0m.

Vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ và vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m;

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m.

Trên đất liền ở Bắc Bộ và Trung Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6.

Khu vực Hà Nội, chiều và đêm nay (10/1), không mưa. Trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-10 độ.

Chủ động ứng phó

Ngày 9/1, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1/CĐ-TW ngày 7/1/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh, sóng lớn trên biển.

Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thông tin để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, tránh.

Tổ chức kiểm tra công tác ứng phó rét đậm, rét hại tại các khu vực trọng điểm vùng cao, đảm bảo an toàn cho người, cảnh báo người dân không sưởi bằng lò đốt than trong nhà kín; căn cứ thời tiết cụ thể chủ động cho học sinh nghỉ học.

Triển khai che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất.

Các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh, triển khai các biện pháp ứng phó, tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển; sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Công điện số 01/TWPCTT

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã ban hành Công điện số 01/TWPCTT điện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và ven biển đến Kiên Giang; các Bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan thông tấn, báo chí về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển.

Để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai (ƯPSCTT) và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chủ động biện pháp ứng phó và tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ: Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, đặc biệt là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống.

Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, khách du lịch, nhất là tại các trường nội trú, như: hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Triển khai che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân, trú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh,...

Thứ hai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển: Thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công hoặc đã bị sự cố trong các trận bão, mưa lũ tháng 10-11/2020 nhưng chưa được khắc phục.

Thứ ba, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng.

Thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cung cấp các bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân.

Thứ năm, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại, sạt lở và gió mạnh, sóng lớn trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Thứ sáu, các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống rét đậm, rét hại, sạt lở và gió mạnh, sóng lớn trên biển đảm bảo đời sống người dân, an toàn sản xuất theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

Thứ bảy, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT và Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN.

Theo Minh Anh/Kinh tế Môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/bang-gia-mua-tuyet-bao-trum-vung-nui-phia-bac-52387.html

Bạn đang đọc bài viết Băng giá, mưa tuyết 'bao trùm' vùng núi phía Bắc tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống