Theo Thông tư 58 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo đó, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của Thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký xe (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết đây là quy định mới trong thông tư về quy trình cấp đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe có hiệu lực từ 1/8.
Ôtô khi đăng ký mới để hoạt động vận tải như xe khách, xe tải, taxi truyền thống, xe hợp đồng, công nghệ, từ 1/8 sẽ phải lắp đặt biển số màu vàng, chữ số màu đen thay vì biển trắng như hiện nay.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, sẽ có khoảng 1,6 - 1,7 triệu ôtô kinh doanh vận tải bao gồm xe tải, xe công nghệ, taxi, xe khách... phải chuyển sang biển số màu vàng thay vì biển màu trắng như hiện nay.
Một số doanh nghiệp và chuyên gia giao thông lo ngại quy định mới này sẽ gây phiền hà, tốn kém. Việc đổi biển xe sang màu vàng sẽ tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải vì gây tốn kém chi phí và thời gian. Nhiều tài xế cũng lo ngại sẽ có nhiều thủ tục, chi phí phát sinh từ quy định mới này.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đặt vấn đề quy định này có thực sự cần thiết khi trong thời buổi hiện nay quản lý bằng công nghệ 4.0 sao lại tìm cách quản lý xe hơi bằng màu sắc?
"Đã có rất nhiều quy định khác để quản lý xe kinh doanh vận tải, việc đổi biển sang màu vàng sẽ gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp cũng như tài xế chạy dịch vụ. Xe của tôi đang chạy Grab bây giờ phải đổi sang biển màu vàng, nếu tôi ngừng chạy dịch vụ hoặc muốn bán thì phải làm như thế nào?" - anh Tuấn Anh, một lái xe công nghệ ở Hà Nội, thắc mắc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phạm Việt Công - trưởng phòng đăng ký xe, Cục Cảnh sát giao thông - cho biết việc phân định màu sắc phương tiện là để thực hiện nghị quyết 12 của Chính phủ, trong đó có nội dung phân định màu sắc biển số đối với xe kinh doanh vận tải để tạo thuận lợi, giải quyết những vướng mắc trong công tác quản lý hoạt động xe kinh doanh.
"Với những trường hợp giống xe cá nhân như taxi, xe con 4 chỗ, xe công nghệ, hay cả xe limousine chạy trên đường rất khó để phân biệt và quản lý. Khi có sự khác màu biển số thì lực lượng chức năng sẽ dễ phân biệt hơn, sẽ tiện hơn trong công tác quản lý và đặc biệt tạo sự công bằng, bình đẳng với các hãng xe.
Ví dụ đơn giản như có những cung đường, khung giờ cấm hay khu vực hạn chế sẽ rất khó phân biệt xe kinh doanh và xe tư nhân. Khi chuyển đổi biển màu vàng sẽ tính được xe đó để chấp hành, hệ thống giám sát và cơ quan chức năng cũng dễ dàng hơn trong quản lý" - ông Công nói.
Về những ý kiến băn khoăn cho rằng quy định mới sẽ gây phiền hà, theo thượng tá Công, với những xe đăng ký mới việc cấp biển như bình thường.
Đối với những xe phải đổi biển "thủ tục rất đơn giản, chỉ cần đến cơ quan khai báo đổi biển chứ không cầu kỳ thủ tục gì cả". Kinh phí việc đổi biển cũng không phải lớn, người dân chỉ phải đóng tiền biển theo quy định chứ không phải đóng tiền như cấp biển từ đầu.
"Chi phí cho việc đổi biển rất nhỏ, chỉ khoảng hơn trăm ngàn thôi. Thủ tục không phức tạp, kinh phí không phải lớn nhưng hiệu quả phục vụ công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn" - ông Công phân tích.
Quy định về lắp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải được Bộ Công an đăng công khai trên mạng và lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong một tháng cuối năm 2019.
Trước đó tháng 4/2020, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM đã kiến nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đổi biển các loại taxi truyền thống, công nghệ thành màu vàng để giúp lực lượng chức năng cũng như người dân dễ dàng nhận biết phương tiện kinh doanh vận tải.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ