Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Cụ bà kháng nghị đòi lại thửa đất đã sinh sống cả cuộc đời

Nguyễn Triệu 09:54 02/01/2021

Cả cuộc đời sinh sống trên thửa đất ông cha để lại, nay bà Hợi ngỡ ngàng khi nhận được quyết định của tòa án phải chia phân nửa đất cho dòng họ.

Phản ánh tới chúng tôi, cụ bà Nguyễn Thị Hợi (Sn 1941, trú thôn Cao Mật Hạ, xã Thanh Cao – Thanh Oai – Hà Nội) cho biết, bà và gia đình đang vô cùng hoang mang trước quyết định của tòa liên quan tới vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất cho ở nhờ” do gia đình bà là bị đơn. Theo đó, ngày 24/4/2019, Tòa án ND huyện Thanh Oai đã xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất cho ở nhờ” và ban hành bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST.

Ngôi nhà gia đình cụ Hợi ở ổn định nhiều năm trên thửa đất

Kết thúc phiên tòa, nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 9/5/2019, Viện Kiểm sát ND huyện Thanh Oai ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST. Ngày 25/12/2019, Tòa án ND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án và ban hành bản án dân sự phúc thẩm số 394/2019/DS-PT. Bản án phúc thẩm đã xác định toàn bộ Thửa đất số 127 Thanh Cao là tài sản chung của dòng họ Đỗ (nguyên đơn); phân chia cho nguyên đơn 137m2 đất; giao cho bị đơn và những người liên quan sử dụng phần đất còn lại diện tích 128,5m2; các quyết định khác.... Bà Hợi trần tình: “Thửa đất này tôi và chồng là ông Đỗ Văn Thục (đã mất) đã sinh sống ổn định và lâu dài mấy chục năm qua, đất là ông bà để lại, từ trước tới nay dân làng đều xác định là đất của gia đình tôi, bây giờ tòa án xử tôi bị mất một nửa phần đất khiến chúng tôi vô cùng hoang mang.” Bà Hợi và gia đình cho rằng, Tòa án ND cấp cao tại Hà Nội cần tái thẩm lại vụ án vì gia đình đã tìm được những bằng chứng chứng minh thửa đất thuộc quyền sở hữu của mình.

Theo đó, gia đình cũng đã làm đơn đề nghị tái thẩm vụ án gửi Tòa án ND cấp cao tại Hà Nội. Chị Đỗ Thị Loan (con gái ông Phượng, là con ruột cụ Nguyễn Thị Hợi) cho biết, gia đình mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án. mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Theo đó, khi lục tìm lại các giấy tờ, tài liệu đang lưu giữ trong nhà, gia đình phát hiện ra hai tài liệu quan trọng sau: Công văn số 158/CV-TNMT ngày 18/7/2019 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai; Đơn xin xác nhận nhà, đất ở và tài sản ngày 24/4/2000. Cả 2 tài liệu này gia đình đều tìm thấy sau khi hai phiên tòa sơ và phúc thẩm vụ án kết thúc.

Hai tài liệu kể trên có nội dung lần lượt như sau: Tại Công văn số 158/CV-TNMT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai đã xác nhận: “Theo Bản đồ địa chính đo đạc từ năm 1996 và sổ mục kê hiện đang lưu giữ tại Phòng tài nguyên và Môi trường huyện thể hiện tại thửa đất số 127 diện tích đất 256,0 m2 thuộc tờ bản đồ số 14, tỷ lệ 1/1000 xã Thanh Cao, tại dòng thứ 41 tính từ trên xuống, trang 67 mang tên chủ sử dụng đất là Đỗ Văn Thục”. Tại Đơn xin xác nhận nhà, đất ở và tài sản ngày 24/4/2000, Ủy ban ND xã Thanh Cao đã chứng nhận: “Ông Đỗ Văn Thục (đã mất), bà Nguyễn Thị Hợi được quyền sử dụng 256 m2 đất ở tại Cao Mật, Thanh Cao và số tài sản như đơn trình bày là đúng. Số thửa: 127, tờ bản đồ số 13, lập ngày 15/12/1995.

Ngôi nhà gia đình cụ Hợi ở ổn định nhiều năm trên thửa đất

Đất đang sử dụng không có tranh chấp.” Ông Nguyễn Bá Nắm – cán bộ địa chính đã ký xác nhận. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch xã đã ký tên, đóng dấu Ủy ban ND xã Thanh Cao vào cuối nội dung chứng nhận. Đối chiếu lại nội dung tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án, Tòa án ND TP Hà Nội đã nhận định “Phía nguyên đơn, bị đơn đều không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào xác định nguồn gốc thửa đất, tại Ủy ban ND huyện Thanh Oai, UBND xã Thanh Cao cũng không có tài liệu gì xác định được nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp”. Từ nhận định trên đây, Tòa án đã ban hành bản án phúc thẩmchấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả cho dòng họ Đỗ 137m2 đất.

Gia đình bà Hợi cho rằng, với hai chứng cứ quan trọng nêu trên là cơ sở khẳng định thửa đất hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Hợi. Liên quan tới vụ việc, PV đã trao đổi với Luật sư Giang Hồng Ngọc – Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật sư Ngọc cho biết: “Tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu: Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: Thứ nhất, mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;

Thứ hai, Thẩm phán cố ý kết luận trái pháp luật. Đối chiếu trong vụ án của gia đình bà Hợi, phía bị đơn cho biết họ tìm ra những chứng cứ quan trọng mà họ không biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Luật sư Ngọc nhận định đây hoàn toàn là cơ sở để bà Hợi yêu cầu tái thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ việc.

Nghĩa Nhân/Sở Hữu Trí Tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cu-ba-khang-nghi-doi-lai-thua-dat-da-sinh-song-ca-cuoc-doi-d87104.html

Bạn đang đọc bài viết Cụ bà kháng nghị đòi lại thửa đất đã sinh sống cả cuộc đời tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội