Theo bà Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, người đã tiêm vắc xin COVID-19 ở những vùng có nguy cơ cao nên quay lại với việc đeo khẩu trang trong không gian kín. Bà Walensky cho biết, dữ liệu mới cho thấy dù vắc xin vẫn hiệu quả cao trong phòng ngừa đại dịch, nhưng các ca "nhiễm đột phá" hiếm gặp - chỉ trường hợp mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ vắc xin - liên quan đến biến thể Delta vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo bà Walensky, nghiên cứu mới của CDC cho thấy người đã tiêm đủ vắc xin khi mắc bệnh vẫn có tải lượng virus như người chưa tiêm. "Điều đó khiến chúng tôi tin rằng những ca nhiễm đột phá, dù hiếm gặp, vẫn có khả năng lây nhiễm tương tự như người chưa tiêm chủng", giám đốc CDC cho hay.
Dù đã tiêm vắc xin COVID-19 vẫn không nên bỏ khẩu trang. Ảnh minh họa |
Theo CDC, phần lớn phía Nam nước Mỹ đang có khả năng lây truyền cao hoặc đáng kể, trong khi hầu hết khu vực có tỉ lệ tiêm chủng cao ở phía đông bắc Mỹ có khả năng lây truyền trung bình.
Theo Hãng tin AFP, khả năng lây truyền đáng kể là từ 50-100 ca bệnh theo ngày trên 100.000 người tính bình quân trong 7 ngày, và khả năng lây truyền cao là trên 100 ca bệnh theo ngày trên 100.000 người.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ công bố các biện pháp mới vào ngày 29/7 để khắc phục tình trạng tiêm chủng chậm lại ở Mỹ. Đài CNN dẫn nguồn tin cho biết ông Biden sẽ yêu cầu tất cả nhân viên liên bang và nhà thầu phải tiêm vắc xin hoặc thường xuyên xét nghiệm COVID-19.
Hãng tin AFP nhận định, khuyến nghị mới nhất của CDC là một thay đổi trong hướng dẫn phòng chống COVID-19 để ngăn sự lây lan của biến thể Delta, hiện đã chiếm khoảng 80% ca bệnh mới ở Mỹ.
Liên quan tới việc đeo khẩu trang, trước đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến nghị, người dân đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn đeo khẩu trang ở các khu vực có mật độ lây nhiễm nCoV cao. Trong email gửi đến báo chí, WHO viết: "Vắc xin có thể cứu mạng, nhưng riêng chúng thôi chưa đủ".
Theo các nhà nghiên cứu, vắc xin ngừa COVID-19 được chứng minh là có hiệu quả cao ngăn ngừa các ca nhiễm nặng và tử vong. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chúng bảo vệ người dùng khỏi sự lây truyền của virus. Theo thống kê của WHO, tỉ lệ miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 ở người đã tiêm chủng vắc-xin COVID-19 chỉ đạt khoảng 70-80%. Trước tình hình trên, sự quan tâm của WHO không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu lâm sàng các loại vắc xin ngừa COVID-19, mà còn chú trọng đến những tác động của vắc xin COVID-19 đối với sức khoẻ cộng đồng.
Song, Trường nhóm khoa học của WHO, bà Soumya Swaminathan cho biết chúng "không hiệu quả 100%". Bà nói: "Bạn có thể nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, mắc bệnh nhẹ hoặc vừa phải dù đã tiêm phòng".
Bà Swaminathan cũng cảnh báo vắc xin không phải liều thuốc tiên chống lây nhiễm virus. "Đó là lý do chúng ta cần thêm biện pháp bảo vệ khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn cho đến khi các nước đạt miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ lây lan của virus giảm xuống mức thấp nhất".
Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan đồng ý với quan điểm này. Ông cho biết "chỉ nên nới hạn chế hoặc bỏ quy định khẩu trang khi mức độ lây truyền thấp và tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cao".
Theo Chất lượng Việt Nam Online