Hà Nội, Thứ Ba Ngày 30/04/2024

Bảo tàng Báo chí: “Tiếp lửa” đam mê cho các thế hệ nhà báo trẻ

DTVN 16:10 19/06/2020

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động trong sự vui mừng, hân hoan của đông đảo đội ngũ làm báo, đặc biệt là những nhà báo lão thành cách mạng.

Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động trong sự vui mừng, hân hoan của đông đảo đội ngũ làm báo, đặc biệt là những nhà báo lão thành cách mạng.

“Báu vật” của ngành báo chí

Sau gần 5 năm triển khai, sáng 19/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí đầu tiên của Việt Nam đã chính thức khai trương và mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng được xây dựng theo đề án do Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, bao gồm 03 dự án thành phần là: Dự án Trưng bày Bảo tàng, dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu, dự án Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cắt băng khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Sự kiện ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, 155 năm kể từ ngày báo chí Việt Nam có tờ báo viết đầu tiên. Thông qua Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã truyền tải sinh động, hiệu quả, hấp dẫn những thông điệp ý nghĩa kêu gọi, nhắc nhở các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây dựng truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam.

Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo. Phó Chủ tịch nước tin tưởng và mong rằng, với những giá trị lưu giữ được, bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước, cách mạng, một trung tâm nghiệp vụ. Từ đó, bảo tàng sẽ đi vào hoạt động hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt, bắt nhịp đời sống báo chí trong cả nước và trên thế giới.

Chia sẻ thêm với Báo Công Thương, bà Trần Thị Kim Hoa- Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Trong lần khai trương này, bảo tàng đã sưu tầm được trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam trong từng giai đoạn gắn với lịch sử phát triển của đất nước.

Bà Trần Thị Kim Hoa-Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu các hiện vật cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng khách tham quan.

Điểm nổi bật của bảo tàng là với diện tích rộng rãi gần 15.000m2, trong đó các hiện vật được trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, trong tủ, kệ, trục quay… thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh - truyền hình - số hóa hiện đại để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến với bảo tàng”, bà Hoa bày tỏ.

“Giữ lửa” qua các câu chuyện lịch sử

Đánh giá về quá trình hình thành bảo tàng, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay: Để có được kết quả ngày hôm nay là sự dày công của đội ngũ cán bộ bảo tàng đã lặn lội về từng vùng bản, đến gõ cửa từng nhà báo lão thành-những minh chứng của lịch sử báo chí cách mạng để thu thập các tài liệu, hiện vật phục vụ cho việc phục chế.

Thông qua các hiện vật, chúng ta không chỉ thấy lịch sử báo chí Việt Nam mà còn thấy dòng chảy của lịch sử đất nước, dân tộc chúng ta. Những hình ảnh hiện vật tại bảo tàng là minh chứng rõ nhất về tiến trình làm báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam từ khi khởi đầu bằng tờ báo đầu tiên ra đời đến nay. Qua đó cũng thể hiện được sự đồng hành của nền báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”- nhà báo Hồ Quang Lợi trải lòng.

Các nhà báo lão thành cách mạng có dịp để ôn lại kỷ niệm hào hùng một thời trong các giai đoạn phát triển của báo chí.

Tham quan bảo tàng, có rất nhiều nhà báo lão thành cách mạng, những người đã cống hiến gần trọn vẹn cuộc đời cho sự nền báo chí Việt Nam. Như được trở về một thời quá khứ hào hùng, trong ánh mắt của các nhà báo như vẫn còn in hằn rất rõ ngọn lửa đam mê của một thời tuổi trẻ và vẫn say sưa trong từng câu chuyện.

Có mặt tại buổi lễ, nhà báo Lê Văn Ba bộc bạch: "Đây là nơi để thế hệ nhà báo lão thành cách mạng như chúng tôi có cơ hội được trở về, được nhắc nhớ và tự hào về một thời hy sinh máu lửa cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Đồng thời bảo tàng sẽ giúp những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ trân trọng hơn sự nghiệp báo chí cách mạng quý giá mà các thế hệ trước đã xây dựng. Đặc biệt, nó cũng là nơi để các bạn học tập, chiêm nghiệm, khơi nguồn cảm hứng tiếp lửa đam mê từ tinh thần tiên phong, dấn thân của các nhà báo, những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền qua từng giai đoạn của lịch sử".

Là người hiến tặng nhiều hiện vật cho bảo tàng, nhà báo Hà Đăng-bày tỏ: "Chứng kiến các hiện vật tại bảo tàng tôi như được sống lại cuộc đời 70 năm làm báo của mình. Các ký ức lịch sử về nghề làm báo của tôi như được tái hiện bằng rất nhiều cảm xúc lắng đọng. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn gửi tới đội ngũ làm báo, đặc biệt các nhà báo trẻ, nếu như đã làm báo, còn một ngày còn cầm bút còn phải học. Và để trở thành một nhà báo chân chính cần phát huy đủ các tố chất như đức, tài và cần nhất là bản lĩnh tư tưởng vững vàng".

Bảo tàng đã ứng dụng các giải pháp công nghệ số hóa hiện đại để phục vụ tối đa nhu cầu công chúng đến tham quan.

Những hiện vật một thời tác nghiệp của các nhà báo tưởng chừng đã chìm khuất vào quá khứ, bỗng hiện về lung linh trong mỗi ký ức của lịch sử. Tất cả đều hiện diện ở Bảo tàng như để nói lên một điều thiêng liêng nhất: Không ai và không điều gì có thể bị lãng quên, nhất là đối với lực lượng báo chí cách mạng được coi là những chứng nhân, những thư ký của thời đại lịch sử mà dân tộc Việt Nam vừa trải qua một cách hào hùng nhất. Như nhà báo Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh: “Số phận của một sản phẩm báo chí thường rất ngắn ngủi. Nhiệm vụ của Bảo tàng Báo chí là kéo dài tuổi thọ và lưu giữ để tờ báo ấy trở thành bất tử trong sự nghiệp báo chí Việt Nam”.

Theo Đỗ Nga/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/bao-tang-bao-chi-tiep-lua-dam-me-cho-cac-the-he-nha-bao-tre-139151.html

Bạn đang đọc bài viết Bảo tàng Báo chí: “Tiếp lửa” đam mê cho các thế hệ nhà báo trẻ tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội