Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

600 mét đường gốm sứ Hà Nội bị dỡ bỏ trong sự xót xa tiếc nuối của người dân thủ đô

Mai Hương(T/H) 13:45 07/06/2020

Người dân Hà Nội không khỏi bồi hồi xót xa khi 600 mét đường gốm sứ buộc phải dỡ bỏ do nằm trong dư án mở rộng đường đê Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân.

"Con đường gốm sứ" dài gần 4km được xây dựng nhằm chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của người dân Hà Nội đã thay thế cho bờ đê với những mảng tường bêtông màu xám cũ kỹ, trở thành dấu ấn đặc biệt của thủ đô từ 10 năm nay.

Vì lẽ đó, người dân Hà Nội không khỏi bồi hồi xót xa khi 600 mét đường gốm sứ buộc phải dỡ bỏ do nằm trong dư án mở rộng đường đê Âu Cơ từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân. Đây là công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của Dự án xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên. Để đảm bảo thi công, một đoạn đường gốm bị phá bỏ.

Từ cuối năm 2019, dự án công trình được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận: Ba Đình và Tây Hồ.

Con đường gốm sứ được khởi công xây dựng vào tháng 10/2017 và được khánh thành vào 5/10/2010 với nhiều hình ảnh về trẻ em Việt Nam và quốc tế, tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thực hiện.

Khi thi công cải tạo bờ đê phải phá bỏ con đường này, những người thực hiện công trình đường gốm này rất tiếc nuối nhưng họ đều hiểu về mục đích chung. Những người dân sinh sống trong khu vực này cũng bày tỏ mong muốn, khi việc thi công mở rộng đường hoàn thành, đoạn đường tranh gốm sẽ được làm lại.

Là người sống bên cạnh con đê, ngắm nhìn những bức tranh gốm mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Hồng (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ:

"Nhà nước và thành phố cho mở rộng thế này thì người dân chúng tôi rất mừng. Đường sá rộng rãi thì giao thông đi an toàn. Thứ hai nữa là đường kè bờ đê sạch sẽ, cao ráo.

Tất nhiên vấn đề con đường gốm sứ giờ bỏ đi thì ai cũng tiếc, thế nhưng mà thôi, ta đành hi sinh một phần cái tiếc này để ta lấy cái lớn hơn nữa. Nay mai sẽ đẹp hơn, đường sá sẽ rộng rãi khang trang hơn."

Cùng chung hi vọng con đường gốm sẽ được phục hồi sau khi dự án được hoàn thiện, trên tay mảnh vỡ vun của tranh gốm, bà Trần Thị Hải (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) xúc động cho biết: "Con đường gốm sứ có ý nghĩa với người dân, lưu lại lịch sử của đất nước, những ngành nghề được tuyền tải trên con đường, nếu để lại muôn đời cho con cháu ngày nay thì rất có ý nghĩa.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu con người càng đòi hỏi, công nghệ 4.0 phải phá con đường này đi thì rất đáng tiếc, đặc biệt con đường này được UNESCO công nhận là con đường gốm dài nhất thế giới. Hy vọng sau khi mở đường con đường gốm sứ sẽ trở lại như trước kia".

Trao đổi với PV, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội - đơn vị trực tiếp tham gia thiết kế con đường gốm chia sẻ: “Thực sự chúng tôi rất tiếc, vì đây là công sức của tập thể, các nghệ sĩ, các nhà tài trợ đã cùng nhau lên được phác thảo ý nghĩa, mất thời gian để tạo nên từng viên gốm trên bức tranh.

Ngày 10/10/2010, Thủ đô kỉ niệm 1000 năm khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, khi đó con đường gốm sứ có kỉ niệm với Hà Nội 1000 năm tuổi. Chúng tôi thức đêm, thậm chí không kể nắng gắt hay mưa rào, không quản khó khăn để dành hết tâm sức cho tác phẩm nghệ thuật để kịp cho Thủ đô kỉ niệm 1000 năm, cũng là ngày tổ chức kỉ lục GUINIES cho Thủ đô Hà Nội.

Khi đó chúng tôi làm việc rất vất vả, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cùng với mật độ giao thông gần như 24/24 là có xe cộ qua lại. Chúng tôi đã phải khắc phục những khó khăn đó, cũng may chúng tôi được các hộ đằng sau khu đường đê nhiệt tình ủng hộ, cấp điện cấp nước. Thậm chí nhiều hàng quán còn mời chúng tôi ăn miễn phí do chúng tôi quá vất vả", nhớ lại những ngày trước đây, bà Thủy hồi hồi chia sẻ.

Con đường gốm sứ là "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới" được công nhận bởi Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới. Địa điểm này cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch khi đến với Thủ đô. Đây đồng thời là nơi lưu giữ giá trị tinh thần to lớn khi chứng kiến sự thay đổi trong cuộc sống của người dân Hà Nội và cả những người lao động bươn chải mưu sinh.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng theo thời gian, "di sản thuộc về nhân dân" này lại đang dần mất đi vẻ đẹp ban đầu bởi những vết nứt, bong tróc và bám bẩn, thậm chí bốc mùi nồng nặc. Đã có rất nhiều hoạt động trùng tu, giữ gìn vẻ đẹp của con đường được tổ chức.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/600-met-duong-gom-su-ha-noi-bi-do-bo-trong-su-xot-xa-tiec-nuoi-cua-nguoi-dan-thu-do-d77238.html

Bạn đang đọc bài viết 600 mét đường gốm sứ Hà Nội bị dỡ bỏ trong sự xót xa tiếc nuối của người dân thủ đô tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội